Kính mát bày bán nhan nhản ở các sạp chợ, vỉa hè hay bán dạo trên đường phố… nhái theo mẫu mã chính hãng luôn “hút” khách hàng vì giá rẻ, màu sắc, kiểu dáng phong phú. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định những chiếc kính này hoàn toàn vô hại với người sử dụng.
Kính mát bày bán nhan nhản ở các sạp chợ, vỉa hè hay bán dạo trên đường phố… nhái theo mẫu mã chính hãng luôn “hút” khách hàng vì giá rẻ, màu sắc, kiểu dáng phong phú. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định những chiếc kính này hoàn toàn vô hại với người sử dụng.
° Hàng hiệu giá… “bèo”
Đeo kính kém chất lượng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho mắt. |
Không chỉ có mặt ở các sạp chợ, vỉa hè, kính mát còn được đem bán lưu động ở các gánh, xe hàng rong. Anh Phạm Hùng - một người bán kính dạo cho biết: “Trung bình một ngày, đi dọc các dãy phố, tôi cũng bán được vài chục chiếc. Đặc biệt, thời điểm này khá đắt hàng vì nhu cầu đeo kính tránh nắng khi ra đường và đi biển của khách tăng cao”. Và anh còn mạnh dạn bảo đảm: giá rẻ vì là hàng “xách tay”, chứ chất lượng cũng không thua kém gì ở các shop. Bẻ gọng tùy thích mà không gãy là kính tốt (!?). Sau đó, anh chú thích thêm: “Kính bày ở shop, nhìn có vẻ sang trọng, đính giá “trên trời” nhưng chắc gì đã là xịn! Bởi hàng giả, hàng nhái được làm rất tinh vi, người nào không am hiểu chuyên môn thì khó lòng mà phân biệt được!”. Được biết, một số điểm bán sỉ còn nhập hàng về tự ráp với giá mỗi cặp kính khoảng từ 5 đến 20 ngàn đồng. Chỉ cần vài dụng cụ chuyên dụng và thao tác lắp ráp đơn giản, những người bán kính dởm cũng có thể thu “1 vốn 4 lời”. Chị Mai Lan (phường Lộc Thọ, Nha Trang) đưa cho tôi xem chiếc kính mát vừa “tậu” và kể: Chị mua kính ở chợ Đầm. Ban đầu, chủ hàng “hét” giá 100 ngàn đồng, chị trả 50 ngàn đồng, chủ hàng đồng ý bán. Chưa kịp mừng vì mức giá hời thì ngay sau đó, có người mua được với giá 30 ngàn đồng khiến chị ngỡ ngàng: “Hóa ra mình vẫn bị hớ!”.
° Coi chừng hại mắt
Làm nhái, giá rẻ nên tuổi thọ của những chiếc kính dởm này cũng thuộc dạng “hên xui”. Kính dởm thường khá nhẹ và giòn, chỉ cần va chạm nhỏ cũng có thể bị gãy gọng (với gọng nhựa), cong vẹo, rơi mắt kính… Thêm nữa, nếu không quan sát kỹ, người mua rất dễ “giật mình” vì trên vỏ hộp và gọng kính ghi hai nhãn hiệu khác nhau. Đó là chưa kể những người bán kính tại sạp chợ, nơi vỉa hè hay bán dạo không hề có kiến thức về nhãn khoa, trong khi không phải chiếc kính nào cũng phù hợp với mọi loại mắt.
Việc bày bán tràn lan kính dởm là vi phạm các quy định trong kinh doanh. Tuy nhiên, việc quản lý và xử phạt những trường hợp này của các cơ quan chức năng vẫn còn bỏ ngỏ. Thêm nữa, do các điểm bán kính thường nhỏ lẻ, lưu động nên công tác kiểm soát gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, người bán chỉ quan tâm tới lợi nhuận, không mấy chú trọng tới chất lượng và tính an toàn cho người sử dụng của mặt hàng kinh doanh. Chị M.D - chủ một điểm bán kính mát vỉa hè (đường Lê Hồng Phong, Nha Trang) cho hay: “Tôi kinh doanh mặt hàng này nhiều năm nay nhưng chưa thấy ai phải nhập viện vì đeo kính mát”(!?) Bên cạnh đó, sở dĩ kính giả, kém chất lượng vẫn có “đất” kinh doanh còn do tâm lý “thà có còn hơn không” và ham rẻ của nhiều người. Họ chưa lường hết tác hại của việc đeo kính dởm, mặc dù cho đến nay, không có cơ sở khoa học nào chứng minh những chiếc kính dởm đang bày bán đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho mắt. Đeo kính dởm lâu ngày, mắt phải thường xuyên tự điều tiết để thích nghi với sự biến dạng hình ảnh, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh lý về mắt.
Người mua nên đến các cửa hàng mắt kính uy tín, chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đầu tư một cặp kính tốt, giá cao hoàn toàn không phải là xa xỉ nếu muốn giữ gìn cho “cửa sổ tâm hồn” của bạn.
VIỆT ANH