11:06, 04/06/2010

Quạt sạc, đèn sạc, máy phát điện… đều “sốt”

Giải pháp để đối phó với tình trạng cắt điện luân phiên cách ngày trong thời tiết nắng nóng hiện nay là nhanh chóng sắm một chiếc quạt sạc, đèn sạc, máy phát điện (MPĐ)… trong lúc giá còn có thể tiếp tục tăng vì “hút” hàng. 

Giải pháp để đối phó với tình trạng cắt điện luân phiên cách ngày trong thời tiết nắng nóng hiện nay là nhanh chóng sắm một chiếc quạt sạc, đèn sạc, máy phát điện (MPĐ)… trong lúc giá còn có thể tiếp tục tăng vì “hút” hàng. 

Nhiều gia đình đã đổ xô đi mua quạt sạc, khiến thị trường mặt hàng này trở nên hết sức sôi động. Chủ cửa hàng Quang Lợi (đường Thống Nhất, TP. Nha Trang) cho biết: “Chưa năm nào mặt hàng quạt sạc bán chạy như năm nay. Có ngày, cửa hàng bán tới 20 chiếc. Khan hàng nên giá cao là chuyện đương nhiên, thậm chí hàng không kịp nhập về để bán”. Nhiều cửa hàng kinh doanh quạt sạc cũng “nhìn nhau” để tăng giá bán từ 10 - 30% so với đầu mùa nóng. Anh Lê Bá Thắng, phường Phước Long, TP. Nha Trang cho biết: “Tuần trước, tôi đi tham khảo giá quạt sạc trên thị trường nhưng chưa vội mua, không ngờ khi quay lại tiệm cũ hỏi mua thì giá mặt hàng này đã tăng thêm 80 ngàn đồng. Tôi quyết định mua ngay, chứ với tình hình nắng nóng, cắt điện kéo dài thì giá còn có thể tăng nữa”.

Chiếm lĩnh thị trường quạt sạc, đèn sạc… là “hàng Tàu”.
Hiện nay, mặt hàng quạt sạc phổ biến là sản phẩm của Trung Quốc với các nhãn hiệu như: Sunca, Blacker, Nasako, Kennede…, giá dao động từ 530 đến 950 ngàn đồng. Hàng chính hãng của Nhật Bản, Thái Lan… giá lên tới 1 - 2 triệu đồng, nhưng các chủ cửa hàng điện gia dụng không dám nhập về vì khó bán. Hầu hết các loại quạt sạc đều được thiết kế dạng “2 trong 1”, vừa quạt mát vừa có thêm đèn chiếu sáng, có loại còn thêm radio. Các loại quạt sạc với 2 bình ắc-quy có thể sử dụng tới 8 - 9 giờ, loại 1 bình chỉ sử dụng từ 3 - 4 giờ. Nếu sử dụng đồng thời quạt, đèn, radio thì thiết bị càng hao điện.

Ngoài quạt sạc, đèn sạc cũng là mặt hàng đang “sốt”. Loại đèn sạc được các cửa hàng điện gia dụng bày bán nhiều nhất là dạng cầm tay hoặc để bàn, khá gọn nhẹ và tiện lợi, ống tuýp dài, giá từ 280 đến 350 ngàn đồng, nhãn hiệu: Sunca, Kentom, Honilanda, Kennede, Blacker… Một số loại đèn sạc sản xuất trong nước cũng được nhiều người chú ý như: Sunhouse, Kentan, Lioa. Hầu hết đèn sạc đều được thiết kế tự ngắt nguồn sạc khi đầy điện nên người dùng không cần phải rút dây cắm; khi mất điện, đèn sẽ tự bật sáng, thời gian chiếu sáng từ 4 - 7 giờ. Theo một số người có kinh nghiệm, loại đèn sạc dùng bóng đèn led có thời gian sử dụng lâu hơn đèn sạc bằng bóng huỳnh quang. Giá rẻ nhưng chất lượng của các mặt hàng này cũng thuộc dạng “hên xui”, không có giấy bảo hành, không rõ thời gian bảo hành mà chỉ là thỏa thuận bằng miệng của người bán. Trả lời thắc mắc của một số khách hàng về tình trạng quạt, đèn sạc dùng chưa hết mùa nóng đã hỏng hóc, chập chờn, thời gian tích điện rất ngắn, anh Hoàng Lê - chủ cửa hàng trên đường Dã Tượng, TP. Nha Trang cho biết: “Của bền tại người, hàng có “thọ” hay không là do cách sử dụng. Để giữ cho quạt sạc, đèn sạc được bền, khi mới mua về, người dùng nên tắt hết các chức năng và sạc trong vòng 15 - 20 giờ. Nếu chỉ dùng một thời gian rồi bỏ đó thì hàng rất mau hỏng, vì thế khoảng 2 - 3 tháng phải sạc lại để ắc-quy không bị trơ”.

Thiếu điện thường xuyên trên diện rộng hiện nay cũng là dịp để thị trường MPĐ dân dụng chạy bằng xăng “nhộn nhịp” hơn. Hiện nay, nhiều gia đình đã mạnh tay sắm hẳn một chiếc MPĐ để phục vụ nhu cầu gia đình. Anh Nguyễn Bá Thắng, phường Phước Long, TP. Nha Trang vừa mua một chiếc MPĐ giá 6 triệu đồng cho biết: “Lúc đầu, tôi còn đắn đo chưa dám mua MPĐ vì thấy giá khá cao, nhưng hiện nay cứ cách một ngày lại cắt điện, mấy cháu nhỏ ở nhà nóng không chịu nổi; vì vậy tôi quyết định đầu tư sắm một chiếc”. Giới kinh doanh mặt hàng này cũng nhờ đó mà “ăn nên làm ra”. Anh V.C - chủ một cửa hàng điện gia dụng trên đường Quang Trung, TP. Nha Trang tiết lộ, dịp Hè này, anh trúng lớn vì MPĐ tiêu thụ mạnh, đợt cao điểm có thể bán tới 10 - 15 chiếc/ngày. Giá các mặt hàng này cũng theo đà tăng lên cùng nắng nóng. Tùy vào công suất lớn nhỏ, MPĐ có giá từ vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng, trong đó phổ biến nhất là hàng Trung Quốc hiệu Tiger, Kama, Domynia… với giá chỉ bằng 1/2 - 1/3 so với hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc cùng công suất. Các mặt hàng nhập khẩu cao cấp hoặc hàng trong nước ít có mặt trên thị trường. Loại MPĐ bán được nhiều nhất là loại có công suất từ 1,6 đến 3kVA, phù hợp nhu cầu sử dụng tại các hộ gia đình, văn phòng; giá khoảng từ 2 đến 15 triệu đồng. Các điểm kinh doanh bia hơi, quán nhậu, nhà hàng… thì mạnh tay sắm MPĐ công suất lớn hơn, giá có thể lên tới 40 - 50 triệu đồng. Mức giá tại mỗi cửa hàng và mỗi thời điểm cũng chênh nhau tới hàng triệu đồng. Một số điểm kinh doanh còn cho thuê MPĐ với giá khoảng 100 - 300 ngàn đồng/ngày.

Thị trường hàng điện gia dụng tuy nhộn nhịp, nhưng chủ yếu vẫn là “hàng Tàu”, hàng không rõ nguồn gốc, nhiều sản phẩm được lắp ráp từ các linh kiện cũ nhưng lại được gắn mác hàng xịn. Vì vậy, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ xuất xứ, các thông số kỹ thuật của máy, mức độ gây ồn, cách thức sử dụng… để tránh “rước” về những sản phẩm “dỏm”.

VIỆT ANH