Sự nở rộ các chương trình khuyến mại, giảm giá của các siêu thị, trung tâm, cửa hàng điện máy hiện nay là dịp để người tiêu dùng có cơ hội mua hàng giá rẻ. Tuy nhiên, tình trạng khuyến mại không thực chất, thiếu minh bạch của một số đơn vị...
Sự nở rộ các chương trình khuyến mại, giảm giá của các siêu thị, trung tâm, cửa hàng điện máy hiện nay là dịp để người tiêu dùng (NTD) có cơ hội mua hàng giá rẻ. Tuy nhiên, tình trạng khuyến mại không thực chất, thiếu minh bạch của một số đơn vị khiến NTD không khỏi nghi ngại: Liệu họ có thực sự được mua hàng giảm giá?
. Rầm rộ khuyến mại
Người tiêu dùng nên tham khảo giá ở nhiều nơi để có thể mua sản phẩm với mức giá hợp lý. |
. Các “chiêu” giảm ảo
Một số khách hàng cho biết, họ băn khoăn trước các chương trình giảm giá “cực sốc” của một số đơn vị. Chẳng hạn, tại một cửa hàng điện máy trên đường Quang Trung, hàng khuyến mại đủ loại nhưng chỉ được niêm yết “giá khuyến mại” mà không niêm yết giá gốc. Nhân viên bán hàng tại đây giải thích rằng, giá niêm yết là giá đã giảm. Với kiểu khuyến mại này, khách hàng muốn biết mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu nếu mua hàng khuyến mại, chỉ còn cách tự làm phép tính dựa trên phần trăm giảm giá trên băng rôn quảng cáo. Đó là chưa kể, có nơi treo biển giảm giá rầm rộ nhưng sản phẩm không hề được niêm yết giá (cả giá cũ và giá mới) khiến khách hàng mỏi miệng mặc cả. Một số đơn vị kinh doanh tuy đã kết thúc đợt khuyến mại nhưng vẫn chưa gỡ bỏ băng rôn giảm giá (hết hiệu lực cách đó đã 1 tháng) khiến NTD có cảm giác bị lừa!
Đối với các mặt hàng có niêm yết cả giá gốc và giá khuyến mại, tình trạng “thổi phồng” giá bán rồi lại giảm xuống không phải là “chiêu” mới trong kinh doanh, nhưng xem ra vẫn dễ qua mắt nhiều người vì đánh trúng vào tâm lý săn hàng giá rẻ của đại bộ phận NTD. Tại một đơn vị kinh doanh điện máy trên đường Thống Nhất, không khí mua sắm khá nhộn nhịp bởi chương trình siêu giảm giá. Theo niêm yết tại đơn vị này, ti vi Plasma LG 50PQ30 từ 24,9 triệu đồng sau khi giảm giá chỉ còn 18,9 triệu đồng, ti vi LCD LG 37LC4 từ 10,9 triệu đồng còn 8,9 triệu đồng, laptop eMachine 627 từ 9,9 đồng còn 7,5 triệu đồng, tủ lạnh VTB 120 lít từ 3,5 triệu đồng còn 2,8 triệu đồng, lò nướng Legi Korea 100&102 từ 990 ngàn đồng còn 590 ngàn đồng… Nếu chỉ nhìn vào những con số này thì quả thật đây là mức “giá hời” đối với người mua. Tuy nhiên, không ít người đã “ngã ngửa” bởi cùng sản phẩm, nhãn hiệu đó, ở một đại lý khác, lại có mức giá gốc xấp xỉ mức giá đã giảm ở đơn vị này. Ngay cả việc niêm yết “giá chính hãng” ở mỗi nơi cũng khác nhau. Anh T.D (đường Hoàng Diệu, Nha Trang) cho biết, chiếc tủ lạnh VTB 120 lít mà anh vừa mua 2,9 triệu đồng ở đơn vị này chỉ có giá 2,8 triệu đồng (giá chưa giảm) ở một cửa hàng khác.
Bên cạnh tình trạng giảm “giá ảo”, nhiều người tỏ ra băn khoăn trước chất lượng của các mặt hàng giảm giá. Không ít sản phẩm điện tử, điện máy trên thị trường hiện nay không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, thông tin trên sản phẩm và bao bì không thống nhất, thậm chí, người bán không nắm rõ xuất xứ hàng hóa. Chẳng hạn, khi tôi hỏi mua một chiếc ấm siêu tốc hiệu TCL tại một cửa hàng trên đường Thống Nhất, một nhân viên cho biết đây là hàng nhập từ Nhật Bản, nhân viên khác lại khẳng định là của Hàn Quốc, còn nhân viên thứ ba thì trả lời mơ hồ: “Không rõ, nhưng TCL là thương hiệu nổi tiếng lâu năm rồi” (!?) Ngoài ra, ở một số cửa hàng điện máy quảng cáo giá “siêu rẻ”, “giá sốc” nhưng sản phẩm giảm giá lại chỉ là các mặt hàng “bình dân” như: máy sấy tóc, bàn ủi, nồi cơm điện, bếp gas, loa, máy sinh tố… đã lỗi thời.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà các chương trình giảm giá của các siêu thị, trung tâm điện máy mang lại. Tuy nhiên, để mua được sản phẩm với chất lượng tốt và mức giá hợp lý, NTD nên tham khảo giá ở nhiều nơi và lựa chọn món hàng phù hợp với túi tiền, không nên hoa mắt giữa “mê cung” hàng “siêu giảm giá” để bị “hớ”.
SÁCH DƯƠNG