06:04, 18/04/2010

Sim điện thoại di động rẻ… như bèo

Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, nước ta có khoảng 100 triệu thuê bao điện thoại di động - ĐTDĐ (trả trước, trả sau). Với con số này, Việt Nam đang là quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về phát triển mạng di động. Tuy nhiên, sự phát triển rầm rộ ấy liệu có phải tăng trưởng bền vững?

Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), nước ta có khoảng 100 triệu thuê bao (TB) điện thoại di động - ĐTDĐ (trả trước, trả sau). Với con số này, Việt Nam đang là quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về phát triển mạng di động. Tuy nhiên, sự phát triển rầm rộ ấy liệu có phải tăng trưởng bền vững?

Khuyến mại tràn lan

Các nhà mạng đang đua nhau khuyến mãi.
Dạo quanh TP. Nha Trang, điều rất dễ nhận thấy tại các cửa hàng ĐTDĐ là thường gắn biển hiệu quảng cáo bán sim ĐTDĐ rất “kêu” như: “Sim 58.000 đồng tài khoản 160.000 đồng”, “Sim giá rẻ”, “Thời hạn sử dụng mãi mãi”… Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, loại sim di động hiện nay được các chủ hiệu bày bán gồm 2 loại: loại sim di động có “số đẹp” và loại sim “khuyến mãi”. Theo cách lý giải của một nhân viên đại lý Bưu điện trên đường Võ Văn Ký (TP. Nha Trang), loại sim có 10 số (đầu số: 090, 0918, 097…) hiện khá hiếm. Nhưng nhiều chủ hiệu vẫn sưu tầm được để phục vụ khách hàng. Mỗi chiếc sim loại này được chủ hiệu rao bán từ 120 - 350 nghìn đồng, thậm chí tiền triệu. Ngược lại, loại sim 11 số (đầu số: 012, 016, 019…) đang được nhiều nhà mạng khuyến mãi “giá bèo”. Cụ thể, với các loại sim của nhà mạng Viettel, Mobifone, hầu hết các cửa hàng bán giá 58 nghìn đồng/sim trả trước, sau khi kích hoạt có ngay tài khoản 160 nghìn đồng để gọi nội, ngoại mạng; sim của Vinaphone mua 78 nghìn đồng, có ngay tài khoản gần 300 nghìn đồng; sim của Vietnamobile: loại 20 nghìn đồng, có tài khoản 30 nghìn đồng, sim loại 50 nghìn đồng, tài khoản 150 nghìn đồng…

Có chuyện “lách luật”

Hạn chót cho việc đăng ký thông tin TB ĐTDĐ trả trước đã được gia hạn liên tục và cuối cùng “chốt” vào đầu tháng 3, nhưng cho tới gần đây, khi tới các điểm giao dịch, khách hàng vẫn có thể đăng ký.

Chưa xét đến việc các cơ quan chức năng vào cuộc thẩm tra tính chính xác của các TB đã được đăng ký, thực tế, bản thân các nhà mạng cũng đang có những cách “lách luật” để giúp 1 khách hàng có thể đăng ký để sở hữu nhiều hơn 3 số máy trả trước của cùng 1 mạng (với TB trả sau, theo quy định, mỗi khách hàng được đăng ký tối đa 5 số máy), như sử dụng bằng lái xe, hộ chiếu và giấy chứng minh nhân dân (mỗi loại giấy tờ đăng ký mua 3 sim cùng một mạng) để đăng ký theo quy định của Bộ TT-TT. Điều này cũng có nghĩa là, tổng số sim trả trước của một người sử dụng trong cùng 1 mạng có thể lên tới con số 9 chứ không phải là 3 như quy định của Bộ TT-TT. Nếu nhân với 7 mạng di động đang hoạt động tại Việt Nam, con số này sẽ rất lớn.

Chính việc quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng đã và đang dẫn tới tình trạng bùng phát “sim rác” và “cháy kho số”. Và như vậy, ngay cả khi có thêm hàng chục đầu số di động nữa thì rất có khả năng, trong thời gian tới, các nhà mạng lại phải “gõ cửa” Bộ TT-TT để xin cấp thêm đầu số mới!

Thiết nghĩ, thay vì khuyến mãi rầm rộ như hiện nay, nhà mạng cần siết chặt quản lý theo quy định, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Bởi nếu tiếp diễn tình trạng nêu trên, thì sự tăng trưởng số TB khó có thể nói là bền vững.

T.LONG