Hiện nay, nhu cầu làm đẹp và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ ngày một tăng cao, một phần là do có sự quảng bá mạnh của nhiều hãng mỹ phẩm trong và ngoài nước...
Mỹ phẩm ngoại đang dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam (ảnh minh họa). |
Hiện nay, nhu cầu làm đẹp và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ ngày một tăng cao, một phần là do có sự quảng bá mạnh của nhiều hãng mỹ phẩm trong và ngoài nước thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chủ yếu là mỹ phẩm ngoại nhập xuất xứ từ Hàn Quốc (Ohui, Essance, Double Rich, Laneige, R&B, Missha…), Nhật Bản (Shiseido, Cle De Peau, Menard, Kose, Kanebo, Kao…), Thái Lan (La Pearle), Mỹ (Estee Lauder, Avon, Pantene, Victoria Secret…), Pháp (Lancôme, L’Oreal, L’Ovité, Bourjois…), Thổ Nhĩ Kỳ (Golden), Ý, Thụy Điển (Oriflame…), Singapore (Silky Girl…) hoặc là những mặt hàng mỹ phẩm liên doanh giữa Việt Nam với nước ngoài.
Vì sao mỹ phẩm ngoại ngày càng ồ ạt tràn vào Việt Nam? Theo tôi nghĩ, các công ty mỹ phẩm nước ngoài đã nắm bắt được thị hiếu ưa chuộng mỹ phẩm ngoại của phần lớn phụ nữ Việt Nam vì có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, thương hiệu uy tín. Tuy các loại mỹ phẩm ngoại có giá thành hơi cao nhưng trong xã hội hiện đại, phụ nữ từ trẻ đến già ai cũng muốn mình đẹp, do đó cũng không ít chị em đã mạnh tay bỏ ra hàng triệu đồng để mua những loại mỹ phẩm nổi tiếng nhằm mục đích tôn thêm vẻ thanh xuân cho mình, trong khi hàng mỹ phẩm của Việt Nam thì ít ai quan tâm đến, chủ yếu dành cho những chị em có thu nhập thấp vì giá rẻ. Dạo qua các cửa hàng mỹ phẩm trên một số đường phố chính ở Nha Trang và ở các chợ Xóm Mới, chợ Đầm, Siêu thị Maximark… chỗ nào tôi cũng thấy các mặt hàng mỹ phẩm nổi tiếng của nước ngoài như: L’oreal, Revelon, Lancôme, Shiseido, Nivea, Mabelline, Ohui… chính hiệu và kể cả hàng nhái dán nhãn mác nước ngoài, trong khi hàng Việt Nam dường như chỉ có rất ít như Thorakao, Miss Saigon, Fresh, Spring…
Theo một số chuyên gia ngành mỹ phẩm Việt Nam, việc phát triển mạnh của các công ty mỹ phẩm nước ngoài tại Việt Nam với nhiều sản phẩm chất lượng cao, kênh phân phối rộng, quảng bá mạnh khiến mỹ phẩm Việt tuy có chất lượng tốt đi chăng nữa nhưng luôn mất lợi thế ngay “sân nhà”, một phần là do các công ty mỹ phẩm trong nước chưa thật sự quan tâm đến việc nâng cấp hệ thống sản xuất, thiếu vốn và thiếu chuyên môn. Mặt khác, còn chưa chú trọng nâng cao chất lượng và công dụng của từng loại sản phẩm. Bên cạnh đó, do tâm lý “sính ngoại” của người Việt Nam nên thị trường mỹ phẩm trong nước ngày càng xuất hiện tràn lan các loại mỹ phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không kiểm định được chất lượng, dán nhãn mác nước ngoài, làm cho người tiêu dùng không biết đâu là thật, đâu là giả; miễn là rẻ, sản phẩm dán nhãn mác nước ngoài có tên tuổi là mua ngay và đương nhiên, mỹ phẩm nội bị lép vế, mất vị thế.
Theo tôi, ngoài việc Nhà nước phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước cần chú trọng đến nhận thức, thói quen, tâm lý của người tiêu dùng; thông tin về quy mô, chất lượng, giá cả và tính năng cùng các hệ thống phân phối, đặc biệt là khâu chăm sóc khách hàng… Đồng thời, cần triệt để trong kiểm tra, xử lý những vụ nhập lậu mỹ phẩm, làm hàng giả, hàng nhái. Có như vậy, mỹ phẩm nội chắc chắn sẽ giành được thị phần trong nước.
HÀ ANH