01:02, 24/02/2010

Đồ chơi trẻ em còn quá đơn điệu!

Trong khi đồ chơi Trung Quốc tràn lan trên thị trường Việt Nam, đa dạng về mẫu mã, giá rẻ, bắt mắt, nhiều tính năng, màu sắc phong phú...

Băn khoăn chọn mua đồ chơi tại Siêu thị sách Tân Tiến.
Ảnh minh họa.

Nếu phần lớn các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam “lên ngôi” trong những năm gần đây bởi chất lượng, mẫu mã ngày càng được cải tiến… thì bên cạnh đó, có một mặt hàng thua thiệt ngay trên “sân nhà”, đó là đồ chơi trẻ em!

Trong khi đồ chơi Trung Quốc tràn lan trên thị trường Việt Nam, đa dạng về mẫu mã, giá rẻ, bắt mắt, nhiều tính năng, màu sắc phong phú, nhiều nguyên liệu trên cùng một sản phẩm, thì đồ chơi Việt Nam không đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chỉ tập trung vào một số nguyên liệu như: gỗ, vải, nhựa, ít chủng loại, nếu không nói là đơn điệu, nhàm chán. Một thực tế là các cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước hầu như chỉ chú trọng việc đưa mẫu sản phẩm vào trường học với các mô hình giáo dục, ít bán ra thị trường, càng dẫn đến việc người tiêu dùng ít biết đến hay quay lưng với đồ chơi trẻ em Việt Nam.

Có một điều dễ dàng nhận thấy, đó là hiện nay, nhiều loại đồ chơi bày bán trên thị trường chủ yếu được chế tạo từ các loại hạt nhựa bình thường, không quá khó làm. Thế nhưng, các nhà sản xuất trong nước đã không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc về lĩnh vực này. Thậm chí, người tiêu dùng muốn mua đồ chơi trẻ em Việt Nam cũng rất khó tìm và khó phân biệt hàng nào của Việt Nam. Có thể tạm phân loại, trên thị trường tồn tại 2 dạng sản phẩm đồ chơi trẻ em: cao cấp và thông dụng. Hàng cao cấp có xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Pháp… có chất lượng tốt nhưng giá cả quá đắt, ít hàng. Phổ biến vẫn là hàng Trung Quốc với đủ các loại từ cao cấp đến hàng bình dân rẻ tiền, mẫu mã liên tục được đổi mới, đáp ứng thị hiếu trẻ em. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lưu ý đến những loại đồ chơi mang tính bạo lực mà lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn cảnh giác như súng bắn bi, dao, kiếm, đồ chơi có chứa chất độc hại…

Có thể nói, khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước là chất liệu sản phẩm còn nghèo nàn, thiếu đội ngũ sáng tạo để thiết kế ra những sản phẩm đồ chơi thu hút khách hàng “nhí”. Một số doanh nghiệp chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, gia công hàng cho các trường học, điểm vui chơi công cộng…, không cung ứng hàng nhỏ lẻ bán ra thị trường. Chính yếu tố này làm giảm khả năng sáng tạo, khiến đồ chơi trẻ em không phong phú hay không có khách hàng tiêu thụ… Để cạnh tranh được với đồ chơi của Trung Quốc là một thách thức rất lớn đối ngành sản xuất đồ chơi trẻ em của Việt Nam. Theo tôi, nếu các cơ sở sản xuất đồ chơi trong nước liên kết lại để tạo ra các loại sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt (đảm bảo tính giáo dục), độ an toàn cao… thì mới có thể nói đến chuyện cạnh tranh với hàng Trung Quốc được!

Bên cạnh đó, trước nguy cơ đồ chơi độc hại đang tràn lan trên thị trường, khi chọn đồ chơi cho con, các bậc phụ huynh cần lưu ý phải đảm bảo các yếu tố sau đây (cũng là các yêu cầu kỹ thuật mà các nhà sản xuất đồ chơi Việt Nam cần phải có):

An toàn là yếu tố đầu tiên cần phải tính đến khi mua đồ chơi cho trẻ, và cần phải theo dõi tin tức để biết đồ chơi nào bị thu hồi để không phải mua nhầm.

Có tính giáo dục cao: Một đồ chơi tốt thường thỏa mãn những điều kiện như: Mở rộng chân trời kiến thức hay kích thích sự suy nghĩ, lý luận; xây dựng thực hành một số kỹ năng như khéo tay, kích thích óc quan sát; giáo dục về môi trường, cộng đồng, thế giới, lịch sử, vi tính...

Theo ý thích con cái: Một món đồ chơi tuy mang tính giáo dục cao, kích thích trí thông minh, nhưng nếu các em không chơi mà đem cất vào tủ thì rõ ràng cha mẹ đã không thành công trong việc chọn lựa mua cho con mình. Chọn mua đồ chơi cho con phải biết dựa vào tính cách của trẻ.

Thích hợp với lứa tuổi: Điều này là hiển nhiên vì chính đồ chơi sẽ kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo theo lứa tuổi. Do đó, yếu tố bắt buộc phải có trên bao bì đồ chơi là độ tuổi của trẻ khi sử dụng đồ chơi.

Hợp túi tiền: Không hẳn đồ chơi đắt tiền sẽ khiến các em thích thú hơn đồ chơi rẻ tiền. Thực tế chứng minh đã có nhiều trẻ con nhà giàu không thiếu đồ chơi nào đã rất thèm thuồng khi nhìn các trẻ nhà nghèo chơi trò chơi với những cọng dây thun hay nắm đất sét. Cũng cần chú ý yếu tố “cả thèm, chóng chán” của trẻ con. Cân nhắc chọn mua đồ chơi phù hợp túi tiền cũng là một trong những cách tiết kiệm ngân quỹ gia đình.

DUY AN