Thị trường mứt Tết đang ngày càng thu hẹp, trong khi vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này vẫn còn bỏ ngỏ.
Thị trường mứt Tết đang ngày càng thu hẹp, trong khi vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này vẫn còn bỏ ngỏ.
° Sản xuất cầm chừng, tiêu thụ chậm
Gần Tết, nhưng nhiều lò sản xuất bánh mứt kẹo ở Nha Trang không bận rộn như những năm trước. Hầu hết các cơ sở chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng và trông chờ vào những ngày cận Tết. Chị Minh Tâm, chủ một gia đình làm mứt trên đường Tăng Bạt Hổ cho biết: “Trước đây, các cơ sở tại Nha Trang tất bật sản xuất mứt phục vụ Tết do nhiều người dân chuộng hàng mới, hình thức đẹp, chất lượng tốt hơn so với hàng nhập bên ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, hàng tiêu thụ chậm, nhiều cơ sở đã ngưng hoạt động, số khác chỉ sản xuất theo đơn hàng”.
Dạo quanh các sạp bán mứt Tết ở các chợ trong thành phố, có thể thấy số lượng và chủng loại mứt được bày bán còn khá khiêm tốn, chủ yếu là mứt gừng, mứt chuối dẻo, mứt chùm ruột… Mứt TP. Hồ Chí Minh, mứt Đà Lạt cũng ít người hỏi mua. Sạp hàng bánh, mứt, kẹo của chị Đoàn Thị Hằng ở chợ Xóm Mới chỉ kinh doanh 2 loại là mứt chuối và mứt bí vì “hàng bán lai rai nên không dám “ôm” nhiều, dễ lỗ vốn! Sát ngày Tết, tùy theo nhu cầu thị trường mới tính chuyện nhập thêm hàng hay không” - chị Hằng cho biết. Còn theo chị Thu Trang, chuyên bỏ sỉ các mặt hàng bánh mứt kẹo ở chợ Đầm: “Lượng hàng bỏ sỉ giảm hẳn so với những năm trước. Mứt ngày càng mất chỗ đứng trên thị trường hàng Tết”.
Một trong những nguyên nhân khiến mứt Tết tiêu thụ chậm là do hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Nghe thông tin phát hiện dòi trong mứt Tết của một cơ sở sản xuất mứt ở TP. Hồ Chí Minh mà thấy rùng mình, không dám ăn” - chị Nguyễn Thị Nga, ở đường Lê Hồng Phong cho biết. Bên cạnh đó, người dân ngày càng có xu hướng chuộng các sản phẩm bánh, kẹo thay thế mứt Tết truyền thống. Giá mứt tăng do giá nguyên liệu làm mứt (đường, trái cây…) liên tục tăng cũng khiến nhiều người dè dặt khi mua mặt hàng này. So với năm ngoái, giá các loại mứt tăng bình quân 5 - 10 ngàn đồng/kg: Mứt chùm ruột giá 50 - 60 ngàn đồng/kg, mứt gừng: 40 - 50 ngàn đồng/kg; mứt me: 45 - 50 ngàn đồng/kg, mứt nho: 140 ngàn đồng/kg (quả lớn) và 60 ngàn đồng/kg (quả nhỏ); mứt dừa: 50 - 60 ngàn đồng/kg, mứt chuối: 45 ngàn đồng/kg… Nhiều tiểu thương dự báo hàng sẽ còn tiếp tục tăng giá vào giáp Tết.
° Nhiều mứt “3 không”
Mứt Tết trên thị trường hầu hết đều không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm |
Tuy số lượng mứt Tết trên thị trường hiện còn hạn chế, nhưng theo quan sát, phần lớn đều là mứt “3 không”: không nhãn mác, không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó là chưa kể bao bì đựng mứt thiếu thông tin về thành phần, nguyên liệu, cách bảo quản sản phẩm. Phần lớn mứt chỉ được đóng gói trong các bao nilon không nhãn mác hoặc đựng trong các thau lớn không đậy nắp, mặc cho bụi bặm hay ruồi nhặng bu bám. Tại chợ Xóm Mới, một tiểu thương vừa thoăn thoắt đong mứt cho khách hàng, vừa quảng cáo: “Yên tâm, mứt của các cơ sở uy tín ngay tại Nha Trang, năm nào chả bán, đảm bảo là hàng sạch”! Có gói mứt còn in số giấy phép đăng ký kinh doanh trên bao bì, nhưng địa chỉ sản xuất chỉ ghi chung chung tên quận và thành phố, không đề hạn sử dụng. Một số sản phẩm ghi “Hạn sử dụng: 6 tháng sau ngày sản xuất”, nhưng tìm “đỏ mắt” cũng không thấy ngày sản xuất đâu! Đó là chưa kể loại mứt đựng trong bao bì in chữ nước ngoài nhập nhèm, không kèm nhãn phụ tiếng Việt, không có bất cứ thông tin nào về xuất xứ, hạn sử dụng. Anh Phạm Văn Dương (đường Hoàng Diệu) lo ngại: “Chẳng biết mứt được tẩm phụ gia hay chất bảo quản gì mà nhìn vẫn tươi và đẹp mắt dù “phơi trần” cả ngày”.
Mứt vốn là quà Tết ý nghĩa, là đặc sản đầu xuân đối với mỗi gia đình trong những ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, nếu các nhà sản xuất không quan tâm đến chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, e rằng mứt Tết sẽ ngày càng bị “thất sủng”.
KIM DUNG