Tuy đã cuối năm nhưng không khí mua bán tại một số chợ trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn kém nhộn nhịp.
Tuy đã cuối năm nhưng không khí mua bán tại một số chợ trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn kém nhộn nhịp.
Lý giải về tình trạng ế ẩm kéo dài, nhiều tiểu thương cho biết: Do kinh tế lạm phát, nên người dân không mấy mặn mà với những khoản chi tiêu chưa thực sự cần thiết. Nhiều tiểu thương đã tính chuyện nghỉ bán hoặc sang sạp, bởi lời lãi từ việc bán hàng không thấm vào đâu so với chi phí thuê mặt bằng kinh doanh cùng các chi phí khác…
Vải, quần áo: Tiêu thụ chậm
Do vắng khách, các tiểu thương chơi bài để “đốt thời giờ”. |
Một trong những mặt hàng tiêu thụ chậm nhất là vải. Dọc các quầy hàng vải tại chợ Bình Tân, rất dễ bắt gặp mấy chị tiểu thương ngồi túm tụm chơi bài, hay sơn sửa móng tay, móng chân, đọc báo để “đốt thời giờ”. Thỉnh thoảng cũng có lác đác vài người khách, nhưng họ chỉ đến xem hàng, khảo giá chứ không mua. Vào dịp cuối tuần, lượng khách cũng chỉ đông hơn ngày thường chút đỉnh. Số vải cũ còn tồn rất nhiều nên mặc dù đã gần đến Tết Nguyên đán, nhiều tiểu thương vẫn chưa dám nhập hàng mới. Theo chủ một sạp vải, khách không mua vải nhiều là do tiền công may hiện khá cao (trung bình 60 - 90 ngàn đồng/áo hoặc quần, 150 - 300 ngàn đồng/váy đầm); nhiều người có xu hướng mua hàng may sẵn vì tính ra rẻ và nhanh hơn.
Tuy nhiên, nhiều cửa hàng bán quần áo may sẵn tại các khu chợ cũng đang phải đối mặt với tình cảnh ế ẩm. Chị Phan Thanh Thúy, chủ một cửa hàng quần áo ở chợ Vĩnh Hải than thở: “Trước đây, sinh viên, lao động phổ thông và những người có mức thu nhập thấp thường ghé vào chợ mua sắm rất đông, bán không kịp. Nhưng gần đây, người dân không mấy nhiệt tình sắm sửa, diện đồ nên hàng tiêu thụ chậm. Một số kiểu dáng chạy theo mốt, không sớm tiêu thụ hết, còn bị lỗi thời.”
Nhiều khu chợ khác cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Phan Hạnh - Tổ trưởng tổ Nghiệp vụ chợ Xóm Mới cho biết: “Sức mua hàng hóa tại chợ giảm 30 - 40% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Đa số tiểu thương, đặc biệt là người bán hàng may mặc, mỹ phẩm… đều than phiền vì ế ẩm. Các chủ sạp hàng cho biết sẽ không nhập đợt hàng mới. Dự báo, từ nay đến trước Tết Nguyên đán, tình hình vẫn kém khả quan so với những năm trước”.
Thực phẩm: Hàng rong át hàng chợ
Không chỉ hạn chế mua sắm quần áo, giày dép, đồ gia dụng…, nhiều người dân còn có xu hướng giảm mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. “Giá hàng tiêu dùng không ngừng “leo thang”, đồng lương eo hẹp, gia đình chúng tôi phải mua hàng có giá trị thấp hơn để tiết kiệm, và cũng phải giảm bớt lượng thịt, cá, trái cây… trong thực đơn hàng ngày” - một khách hàng phân trần. Một số chợ có giá bán khá rẻ như chợ Phước Tín (người dân quanh đó quen gọi là “chợ ô-sin” vì mặt bằng nhỏ hẹp, tồi tàn, người bán hầu như không nói thách) đang được nhiều người tới mua hàng, dù chợ cách nhà khá xa.
Một trong những nguyên nhân khiến lực bán tại các sạp trong chợ sụt giảm là do phải cạnh tranh với đội ngũ bán hàng lưu động thường xuyên họp chợ ở lòng, lề đường. “Có cung ắt có cầu, bản thân người dân cũng ngại đi vào tận trong chợ, trong khi mua hàng ở ngay lề đường vừa tiện, vừa rẻ” - một tiểu thương giải thích. Vào giờ tan tầm, trong khi những sạp tại chợ Xóm Mới, chợ Bình Tân… thường vắng vẻ thì các chợ họp ngay ngoài lề đường lại luôn đông đúc, chen lấn. Các mặt hàng thực phẩm như: thịt, cá, đậu hũ… được chào bán với giá chỉ bằng khoảng 2/3 giá bán vào buổi sáng: tôm (loại nhỏ) chỉ 30 - 40 ngàn đồng/kg, thịt heo 40 ngàn đồng/kg… Không ít người dân tỏ ra lo ngại tình trạng thịt, cá bị nhiễm khuẩn, biến chất do người bán dùng hàn the, muối diêm để giữ thực phẩm tươi lâu nhiều ngày. “Đó là chưa kể một số cơ sở cơm bình dân còn mua thịt, cá đã ôi thiu buổi chiều, có giá bán rẻ hơn mua hàng buổi sáng để hạ giá thành” - chị Trần Thị Hóa, đường Trần Nguyên Hãn (TP. Nha Trang) cho biết.
S.DƯƠNG