Cơn bão số 12 đã làm nhiều người dân, doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề.
Cơn bão số 12 đã làm nhiều người dân, doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Các ngân hàng, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Khánh Hòa đang xem xét chia sẻ với khách hàng bị thiệt hại.
Trong lĩnh vực cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Khánh Hòa là ngân hàng chủ lực nên số khách hàng vay, lượng vốn vay bị thiệt hại lớn nhất. Tính đến ngày 15-11, ngân hàng có 3.478 khách hàng vay bị thiệt hại do bão với dư nợ 1.418 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay bị thiệt hại 564 tỷ đồng. Trong số khách hàng vay bị thiệt hại, có 3.379 khách hàng là đối tượng vay thuộc Nghị định 55 của Chính phủ với dư nợ 1.011 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay bị thiệt hại 526 tỷ đồng. Đối tượng vay bị thiệt hại chủ yếu là nuôi trồng thủy sản với dư nợ khoảng 245 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng trồng trọt, chăn nuôi…cũng bị thiệt hại lớn. Tính chung toàn tỉnh, đối tượng vay thuộc Nghị định 55 có 5.070 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ vay hơn 1.192 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng bị thiệt hại ước tính khoảng 589 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Khánh Hòa, cơn bão số 12 đã làm khách hàng và chi nhánh bị thiệt hại lớn, nhất là địa bàn Vạn Ninh và Ninh Hòa. Hiện nay, tổng dư nợ chi nhánh khoảng 6.600 tỷ đồng, tỷ trọng dư nợ bị thiệt hại chiếm khoảng 20% dư nợ cho vay. Ngân hàng đã cử cán bộ đến từng khách hàng vay vốn để phối hợp với địa phương xác định mức độ thiệt hại. Công việc này vẫn đang tiếp tục vì số lượng khách hàng bị thiệt hại lớn nên sẽ mất nhiều thời gian thực hiện. Dự kiến, cuối tháng 11 sẽ hoàn thành việc thống kê, đánh giá, xác định mức độ thiệt hại.
Về phía ngân hàng, Agribank Khánh Hòa tiếp tục kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa có các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Trước hết, sau khi điều tra, xác định mức độ thiệt hại, chi nhánh sẽ kiến nghị cấp trên khoanh nợ từ 3 đến 5 năm đối với các hộ vay bị thiệt hại nặng nề. Đối với khách hàng bị thiệt hại một phần và khách hàng có thể khôi phục được, ngân hàng sẽ xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ và giảm một phần lãi suất để khách hàng có điều kiện ổn định, khôi phục lại sản xuất. Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục cho vay để khách hàng khôi phục sản xuất sau bão. Riêng đối với các hộ vay bị thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, ngân hàng sẽ đánh giá lại mức độ thiệt hại của hộ vay, khả năng khôi phục của khách hàng để xem xét cho vay tái đầu tư đối với người nuôi trồng thủy sản trong vùng quy hoạch và theo định hướng của UBND tỉnh.
Được biết, chính sách về xử lý nợ hỗ trợ khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) theo Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư số 10 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 55 quy định: cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh khi khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Việc giữ nguyên nhóm nợ khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện 1 lần đối với một khoản nợ.
Đối với khoanh nợ, điều kiện khoanh nợ: thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng. Về chính sách hỗ trợ: thời gian khoanh nợ tối đa 2 năm. Trong thời gian khoanh nợ, các khoản nợ khoanh không tính lãi và được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Trường hợp là tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được khoanh nợ không tính lãi tối đa 3 năm. Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính có thể xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác như: miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau… cho khách hàng vay.
NAM DU