10:09, 11/09/2016

Tín dụng tăng trưởng tốt

8 tháng năm 2016, tín dụng tăng trưởng 12,1% so với cuối năm trước, tăng 22,38% so với cùng kỳ. Với tốc độ tăng trưởng này, ngành Ngân hàng (NH) hoàn toàn có thể đạt mục tiêu dư nợ tăng từ 18 đến 20% như đã đề ra cho năm 2016.

8 tháng năm 2016, tín dụng tăng trưởng 12,1% so với cuối năm trước, tăng 22,38% so với cùng kỳ. Với tốc độ tăng trưởng này, ngành Ngân hàng (NH) hoàn toàn có thể đạt mục tiêu dư nợ tăng từ 18 đến 20% như đã đề ra cho năm 2016. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu chỉ nằm ở mức 1,75%, thấp hơn so mục tiêu đề ra là dưới 3% nên hoạt động của các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) đảm bảo an toàn.


Huy động vốn và dư nợ đều tăng cao


Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, 8 tháng năm 2016, ngành NH Khánh Hòa tiếp tục tăng trưởng tốt. Các chi nhánh TCTD tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn nhằm khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, đảm bảo nguồn vốn cho vay và đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng. Đến cuối tháng 8, huy động vốn toàn tỉnh đạt khoảng 60.155 tỷ đồng, tăng 14,35% so với cuối năm trước, tăng 25,48% so với cùng kỳ. Ngành NH đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh để đẩy mạnh đầu tư tín dụng. Các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã chủ động tiếp cận doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu vốn, cân đối nguồn vốn cho vay, thực hiện tốt các chương trình kinh tế, mặt bằng lãi suất ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn NH. Dư nợ cho vay đạt khoảng 47.755 tỷ đồng, đạt 12,1% so với cuối năm trước, tăng 22,38% so với cùng kỳ. Doanh số cho vay 8 tháng đầu năm đạt khoảng 62.323 tỷ đồng, tăng 42,24% so với cùng kỳ.

 

Hoạt động giao dịch tại ngân hàng
Hoạt động giao dịch tại ngân hàng


Đáng chú ý, nguồn vốn tín dụng được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Dư nợ cho vay các đối tượng ưu tiên chiếm 45,35% tổng dư nợ, so đầu năm tăng 9,9%. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn tăng cao, chiếm tới 14,83% tổng dư nợ, tăng 21,9% so với đầu năm; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 23,94% tổng dư nợ; dư nợ cho vay phục vụ xuất khẩu chiếm 6,4% tổng dư nợ. Cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.


Tín dụng lĩnh vực bất động sản sẽ hướng vào các dự án nhà ở


Trong năm 2016, ngành NH Khánh Hòa tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh được các chi nhánh NH thương mại trên địa bàn tích cực triển khai. Bên cạnh đó, các NH còn đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, các chi nhánh TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 11%/năm) cho 2.530 lượt khách hàng với dư nợ 1.835,8 tỷ đồng.  


Từ khi triển khai chương trình kết nối NH - doanh nghiệp đến nay, các chi nhánh NH trên địa bàn đã giải ngân 22.180 tỷ đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh. Về chương trình cho vay thí điểm mô hình chuỗi liên kết, đến ngày 31-8, Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa đã giải ngân cho Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa vay hơn 845 tỷ đồng, chiếm 11,5% số tiền giải ngân cả nước với lãi suất 5,4 - 5,8%/năm (thấp hơn lãi suất tối đa do NH Nhà nước quy định là 6,5%/năm)…


Ông Nguyễn Hoài Chiểu cho biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành NH tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường và chương trình kết nối NH - doanh nghiệp để tăng nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực triển khai kế hoạch hành động của ngành NH góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng theo chỉ đạo của NH Nhà nước; bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các NH phải chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; trên cơ sở khả năng tài chính, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý; tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, bảo đảm an toàn tài chính trong hoạt động; kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NH Nhà nước thông báo, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể và bảo đảm an sinh xã hội. Trong thời gian tới, tín dụng lĩnh vực bất động sản sẽ hướng vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo chủ trương của Chính phủ.


N.D


 




Lãi suất huy động VND: kỳ hạn dưới 1 tháng hiện phổ biến ở mức 0,5% - 1%/năm; kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng 4,8% - 5,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 5,8% - 6,6%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 6,3% - 7,5%/năm. Lãi suất huy động USD 0%/năm.


Lãi suất cho vay VND các đối tượng ưu tiên ngắn hạn 6% - 7%/năm, trung dài hạn 9% - 10%/năm. Cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác: NH thương mại nhà nước ngắn hạn ở mức 7% - 9,5%/năm, trung dài hạn 9,7% - 11%/năm; NH thương mại cổ phần: ngắn hạn ở mức 8,5% - 11%/năm, trung dài hạn 10,5% - 11,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn 2,8% - 4,5%/năm; trung và dài hạn 4,3% - 6,5%/năm.