Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020. Phóng viên Báo Khánh Hòa trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa về nội dung này.
- Xin ông cho biết mục tiêu mà NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đặt ra khi xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch này?
- NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện kế hoạch này nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, đảm bảo cho các DN (đặc biệt là DN nhỏ và vừa), tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tốt nhất. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN; cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục giao dịch của tổ chức tín dụng với khách hàng.
- Để đạt được mục tiêu nêu trên, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đề ra các giải pháp gì, thưa ông?
- Mới đây, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố bám sát chỉ đạo, kế hoạch triển khai Nghị quyết 17, Nghị quyết 35 của cấp ủy, chính quyền địa phương để đảm bảo hoạt động ngân hàng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ DN trên địa bàn; chủ động và thường xuyên triển khai các giải pháp hỗ trợ DN. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chỉ đạo triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - DN; các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực trọng điểm, các chương trình cho vay bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tham gia các hội nghị đối thoại trực tiếp do tỉnh tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN nhanh chóng tiếp cận vốn ngân hàng; phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp nhận, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN liên quan đến hoạt động ngân hàng, nhất là trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; thực hiện duy trì, cải tiến và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 đối với hoạt động giải quyết TTHC; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa trong việc giải quyết TTHC.
- Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn cần làm gì để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, thưa ông?
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 37 chi nhánh ngân hàng và 3 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đang hoạt động. NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện cải tiến, đổi mới mô hình kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng các sản phẩm phi tín dụng. Đồng thời, cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Bên cạnh đó, cải tiến theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… Mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, các chương trình tín dụng đặc thù, chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ. Trên cơ sở khả năng tài chính, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động...
- Trong thời gian qua, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, xin ông cho biết những kết quả cụ thể?
- Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận DN để nắm bắt nhu cầu, cân đối nguồn vốn cho vay; tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã giải ngân 22.180 tỷ đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, các chi nhánh tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 11%/năm) cho 2.530 lượt khách hàng với dư nợ 1.835,8 tỷ đồng (có 2.176 lượt khách hàng cá nhân, hộ gia đình với dư nợ 711 tỷ đồng). Hiện nay, dư nợ có lãi suất cho vay từ 11%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 87,90% tổng dư nợ; dư nợ cho vay các đối tượng ưu tiên chiếm 45,35% tổng dư nợ. Về chương trình cho vay thí điểm mô hình chuỗi liên kết, đến cuối tháng 8, Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa đã giải ngân cho Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa vay hơn 845 tỷ đồng, chiếm 11,5% số tiền giải ngân cả nước với lãi suất 5,4% - 5,8%/năm (thấp hơn lãi suất tối đa do NHNN quy định là 6,5%/năm)…
- Xin cảm ơn ông!
N.D (Thực hiện)