10:07, 18/07/2016

Tăng cường xử lý nợ xấu

Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn là 1,88%, thấp hơn mức bình quân cả nước 2,62%. Để giảm tỷ lệ nợ xấu, một trong những giải pháp được ngành ngân hàng quan tâm là phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thi hành án dân sự đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ.

Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn là 1,88%, thấp hơn mức bình quân cả nước 2,62%. Để giảm tỷ lệ nợ xấu, một trong những giải pháp được ngành ngân hàng quan tâm là phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thi hành án dân sự đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ.

Nhiều biện pháp xử lý nợ xấu


Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, thời gian qua, ngành NH Khánh Hòa đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc NHNN là đưa nợ xấu về dưới 3% và kiểm soát nợ xấu ở mức này. Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn luôn thấp hơn mức trung bình của cả nước. Để đạt mục tiêu đề ra, các chi nhánh TCTD đã tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), thu hồi nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, kiểm soát việc gia tăng nợ xấu, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng.

 

Đại diện Ngân hàng Liên doanh Việt Nga Chi nhánh Khánh Hòa và Cục Thi hành án dân sự tỉnh ký kết bản ghi nhớ về việc phối hợp trong thi hành án dân sự
Đại diện Ngân hàng Liên doanh Việt Nga Chi nhánh Khánh Hòa và Cục Thi hành án dân sự tỉnh ký kết bản ghi nhớ về việc phối hợp trong thi hành án dân sự


Để chủ động xử lý nợ xấu, các chi nhánh TCTD thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng nhằm phát hiện sớm những khoản vay tiềm ẩn rủi ro. Mặt khác, thực hiện rà soát, đánh giá nợ xấu, nợ đã được cơ cấu, nợ tiềm ẩn rủi ro để xây dựng và triển khai phương án xử lý phù hợp với từng khoản nợ. Bà Đỗ Thị Bích Phương - Phó Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp Vietinbank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Công tác xử lý nợ xấu được lãnh đạo chi nhánh chỉ đạo rất sát sao. Cụ thể, phân công cán bộ có liên quan tích cực làm việc với khách hàng, đốc thúc khách hàng trả nợ; bám sát các cơ quan thực thi pháp luật để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo; tích cực tìm người mua tài sản (nhờ giới thiệu, đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng…) để nhanh chóng bán tài sản thu hồi nợ”. Được biết, trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa đã thu được hơn 19 tỷ đồng nợ xấu, trong đó thu nợ xấu từ cơ quan thi hành án gần 12,3 tỷ đồng. Trong tháng 4-2016, chi nhánh đã làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh để tổng hợp khó khăn, vướng mắc của từng trường hợp nhằm tìm biện pháp giải quyết cụ thể. Ông Bùi Hòa Thịnh - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BIDV Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, chi nhánh đã cơ bản thực hiện hoàn thành mục tiêu, lộ trình xử lý nợ đặt ra nhờ có sự phối hợp của khách hàng, các cơ quan chức năng như: tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan đấu giá tài sản, cơ quan thẩm định giá và thi hành án.


Gỡ khó trong xử lý tài sản đảm bảo


Một trong những vấn đề được các NH kiến nghị nhiều nhất là cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo để các NH thu hồi nợ.


Theo lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, có 447 việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, NH tương ứng với số tiền phải thi hành hơn 1.046 tỷ đồng. Tuy không phải toàn bộ đều chuyển thành nợ xấu, nhưng số nợ tồn đọng lớn, một số đã kéo dài nhiều năm, nguy cơ rủi ro cao nếu không được xử lý dứt điểm.


Trên thực tế, quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, NH gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về quy định, cơ chế; đa số là tài sản thế chấp bằng bất động sản, khi đưa ra thi hành chiếm số tiền khá lớn, tuy đã kê biên và bán đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Sau mỗi lần không có người đăng ký mua tài sản, các thủ tục để có lần bán đấu giá tiếp theo thường rất chậm làm kéo dài quá trình thi hành án. Đương sự cố tình chây ỳ, bất hợp tác. Ngoài ra, một số tài sản chưa xử lý được do liên quan đến nhiều TCTD; tài sản bị tranh chấp; khách hàng tẩu tán tài sản thế chấp nên thi hành án chưa kê biên được; khách hàng đi khỏi nơi cư trú; các tài sản khó thanh lý như: nhà kho, thiết bị xe máy đặc thù…


Để tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, ngành NH đã ký kết quy chế phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Ngoài ra, trong quý II/2016, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa và NH Liên doanh Việt Nga Chi nhánh Khánh Hòa đã tổ chức tọa đàm và ký kết bản ghi nhớ với Cục Thi hành án dân sự tỉnh về việc phối hợp trong thi hành án dân sự. Các bên đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, NH; tình hình, tiến độ thực hiện của từng bản án tồn đọng, nguyên nhân và hướng giải quyết cụ thể. Ông Nguyễn Hữu Anh - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo các chấp hành viên và lãnh đạo các chi cục thi hành án dân sự nhanh chóng thực hiện đối với những trường hợp đã kê biên; trường hợp chưa kê biên phải sớm kê biên, tổ chức bán đấu giá; trường hợp nào còn vướng mắc tham mưu lãnh đạo hướng giải quyết.


Theo ông Đoàn Vĩnh Tường, các chi nhánh NH thương mại đã chủ động phối hợp chặt chẽ, tích cực với cơ quan thi hành án dân sự trong những vụ việc liên quan đến phát mãi tài sản sẽ giúp NH thu hồi được các khoản nợ cũ, nợ tồn đọng để tái tạo được nguồn vốn tiếp tục cho vay. Trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh NH thương mại kiểm soát chặt tình hình sử dụng vốn tại các doanh nghiệp có dư nợ lớn và vay vốn tại nhiều TCTD; hạn chế phát sinh nợ xấu; chấp hành đúng quy định về trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; thực hiện những giải pháp xử lý nợ xấu giúp bảo đảm thanh khoản và tăng trưởng tín dụng ổn định.


N.D