11:06, 15/06/2016

Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều năm qua đã góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội...

Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều năm qua đã góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội... Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng, cần sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị với nhiều giải pháp cụ thể.


Hiệu quả từ vốn tín dụng


Gia đình ông Thái Lập Tư (thôn Tân Sinh Đông, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) trước đây là hộ nghèo. Với sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh xã, ông được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư, mở rộng trồng cây táo, mãng cầu và chăn nuôi gà, heo. Đến nay, ông đã có một vườn cây ăn quả xanh tốt rộng hơn 3ha, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ông Tư chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn tín dụng của NHCSXH, gia đình tôi đã thoát nghèo, từng bước trả nợ, lãi đúng hạn và xây dựng nhà cửa khang trang, con cái được ăn học đàng hoàng”.

 

Triển khai cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội
Triển khai cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội


Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (thôn Như Xuân 2, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) không có nước máy, nhà tắm, nhà vệ sinh. Được xã hướng dẫn, bà Lệ làm đơn vay 12 triệu đồng của NHCSXH để kéo nước máy, xây nhà tắm, nhà vệ sinh. “Nhờ tiếp cận được nguồn vốn, giờ đây gia đình tôi không còn lo thiếu nước, có công trình nhà vệ sinh khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài ra, gia đình tôi còn được vay 20 triệu đồng từ gói vay hộ nghèo xây chuồng trại, nuôi hơn 200 con thỏ và trồng hơn 1,5ha điều. Nhờ vậy, mỗi tháng gia đình thu nhập hơn 5 triệu đồng”, bà Lệ nói.


Xác định vốn tín dụng ưu đãi có ý nghĩa quan trọng, UBND tỉnh đã quan tâm và tạo mọi điều kiện cho hệ thống NHCSXH trên địa bàn hoạt động. Bà Trương Thị Thanh Tùng - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, đến nay, đã thành lập được 137 điểm giao dịch tại trung tâm cấp xã, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã cho hơn 40.000 lượt hộ vay hơn 600 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đã và đang giúp nhiều hộ trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, đảm bảo kinh tế gia đình… Đồng thời, góp sức thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.


Cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị


Theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Bên cạnh thiếu nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, công tác kiểm tra giám sát của một số hội, đoàn thể cấp cơ sở chưa thường xuyên, chất lượng chưa cao. Mặt khác, công tác xử lý nợ quá hạn chưa được chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt; nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền nên hộ nghèo và các đối tượng chính sách chưa hiểu đầy đủ chính sách tín dụng ưu đãi…


Nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, năm 2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị 40. Theo đó, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc đồng bộ, đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách. Hàng năm, cân đối ngân sách dành một phần nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua NHCSXH để cho các đối tượng vay vốn. Đồng thời thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách gắn với phát triển nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nơi giao dịch và bảo vệ tài sản cho NHCSXH khi thực hiện nhiệm vụ tại điểm giao dịch cấp xã hàng tháng. Các phòng, ban liên quan, UBND cấp xã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách và kiên quyết xử lý các trường hợp nợ quá hạn, cố tình chây ỳ; ngăn chặn việc bán nhà, chuyển đi địa phương khác sinh sống, bảo toàn nguồn vốn Nhà nước.


Bên cạnh đó, Tỉnh ủy còn yêu cầu các cấp Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân; mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp bổ sung cho nguồn vốn tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dẫn bình xét vay vốn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu nợ đúng hạn…


VĂN GIANG