Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng đã đáp ứng tốt nhu cầu hợp lý của người dân và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi.
Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng đã đáp ứng tốt nhu cầu hợp lý của người dân và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi.
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, cho vay tiêu dùng (CVTD) đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, hướng khách hàng đến một kênh cho vay chính thống có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, mà nếu không có kênh vay vốn này, nhiều người trong số họ do không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay thông thường sẽ phải tìm đến tín dụng đen, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội.
Có thể thấy, tổng dư nợ CVTD đến tháng 9/2015 tăng 31,49% so với cuối năm 31/12/2014 và chiếm tỷ trọng 8,02% so tổng với dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 32,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 96,27% tổng dư nợ CVTD, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng tăng 11,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 3,73%.
Xét về nhu cầu cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, dư nợ cho vay đối với hầu hết các nhu cầu vốn cho vay tiêu dùng đều tăng, trong đó cho vay để mua, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương tăng ở mức khá cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Riêng dư nợ cho vay thấu chi qua tài khoản thanh toán của cá nhân giảm.
Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam, lãi suất CVTD tại các nước trên thế giới cũng thường cao gấp nhiều lần với lãi suất cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, về việc một số công ty tài chính tiêu dùng được phản ánh cho vay với lãi suất cao, NHNN đã làm việc và chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng rà soát lại các khoản cho vay, tiết kiệm chi phí, cam kết có giải pháp quản trị rủi ro để đảm bảo an toàn tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chi phí cho khách hàng vay vốn.
Theo quy luật, khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng thì hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng phù hợp với xu thế chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu chính phủ và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng tư nhân. Do đó, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Với số lượng TCTD tham gia CVTD ngày càng tăng, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm tín dụng có lãi suất thấp hơn và có nhiều ưu đãi, kết nối khép kín chu trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn, có nhiều ưu đãi hơn.
Trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động CVTD cần phải theo hướng đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường CVTD phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mục tiêu giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi quyết định tham gia vay tiêu dùng.
Theo Kinh tế & Đô thị