11:10, 05/10/2015

Ngành Ngân hàng: Góp phần ổn định thị trường hàng hóa

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động, triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động, triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường.



Ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có văn bản triển khai trên phạm vi toàn quốc chương trình bình ổn thị trường theo hướng không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước mà sử dụng vốn vay ưu đãi của NH, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chủ động báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương, tham mưu triển khai chương trình bình ổn thị trường kết hợp với chương trình kết nối NH - doanh nghiệp (DN). Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi nội dung chương trình đến các chi nhánh tổ chức tín dụng, DN, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn.

 

Mua sắm hàng bình ổn giá tại xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh). Ảnh Kim Dung
Mua sắm hàng bình ổn giá tại xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh). Ảnh Kim Dung


Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã khẩn trương vận động, chỉ đạo các chi nhánh NH thương mại tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh dưới hình thức hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất thấp đối với các DN. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh NH chủ động tiếp cận khách hàng được UBND tỉnh phê duyệt, hoặc khách hàng tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa gắn kết với DN bình ổn thị trường để tìm hiểu, thẩm định nhu cầu vốn của khách hàng; tìm kiếm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án SXKD khả thi và hiệu quả, kể cả với khách hàng đang tạm thời gặp khó khăn nhưng có phương án vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phát triển.


Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, kết quả đáng ghi nhận từ chương trình là ngoài các DN trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt tham gia chương trình, các chi nhánh NH còn tích cực chủ động tìm kiếm, tiếp cận cho vay nhiều DN có nhu cầu vốn. Với sự chủ động từ phía ngành NH, tính đến ngày 28-9, dư nợ cho vay chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.561 tỷ đồng. Trong đó, các chi nhánh NH cho 9 DN vay vốn bình ổn thị trường theo danh sách phê duyệt của UBND tỉnh với số tiền cam kết hơn 1.131 tỷ đồng, dư nợ hơn 726 tỷ đồng; chủ động tiếp cận, cho vay vốn các DN ngoài danh sách được UBND tỉnh phê duyệt với dư nợ hơn 2.835 tỷ đồng. DN tham gia chương trình được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và tối đa 10% đối với khoản vay trung, dài hạn.

 

Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ năm 2010 đến 2015, Sở Công Thương và Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phê duyệt ngân sách tỉnh tạm ứng vốn không thu phí cho các đơn vị SXKD với tổng số tiền hơn 176,6 tỷ đồng; thời hạn tạm ứng vốn từ 2 đến 4 tháng đối với các nhóm hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm nhằm ổn định thị trường và giá cả trong dịp Tết phục vụ nhân dân.


Đối với tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tỉnh sẽ tạm ứng vốn ngân sách không thu phí để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường phục vụ Tết cho huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh (kể cả thu mua nông sản của người dân) với số tiền dự kiến 4 - 5 tỷ đồng.

Việc triển khai hiệu quả chương trình đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; duy trì và kích thích hoạt động SXKD của DN phát triển. Tham gia chương trình, các DN được hỗ trợ và tạo điều kiện về vốn, lãi suất, thị trường và hệ thống phân phối, từ đó duy trì, mở rộng và phát triển SXKD. Chương trình xây dựng mối liên kết chiều sâu từ sản xuất đến lưu thông, tạo điều kiện cho DN an tâm đầu tư công nghệ, máy móc, dự trữ hàng hóa SXKD, đảm bảo cung cầu ổn định thị trường. Với sự tham gia của các NH, chương trình bình ổn thị trường không chỉ tập trung vào thời điểm tết Nguyên đán hàng năm mà sẽ được triển khai trong suốt cả năm với nguồn vốn rất lớn.


Tuy nhiên, việc triển khai chương trình còn một số điểm hạn chế. Đó là chương trình chưa thu hút được nhiều NH tham gia ký kết hỗ trợ vốn vay cho DN, chủ yếu là các NH thương mại nhà nước, còn các NH thương mại cổ phần khó tham gia do huy động vốn cao hơn nên khó cho vay vốn với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, một số DN chưa chủ động cơ cấu lại hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, quản trị và tháo gỡ khó khăn trong SXKD để đáp ứng điều kiện vay của NH.


Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình trong thời gian tới, ông Đoàn Vĩnh Tường cho biết, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện, nhân rộng chương trình bình ổn thị trường; tích cực phối hợp cùng các sở, ban, ngành, địa phương tìm kiếm DN có nhu cầu vốn tham gia chương trình. Đồng thời, chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối NH - DN gắn với bình ổn thị trường, chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, ưu tiên các DN có nhu cầu mở rộng hệ thống phân phối, đặt điểm bán hàng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


N.D