5 năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Khánh Hòa đã triển khai tích cực và hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ.
5 năm qua, Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Khánh Hòa đã triển khai tích cực và hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) theo Nghị định (NĐ) 41 của Chính phủ.
Tập trung nguồn vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn
Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, sau 5 năm triển khai NĐ 41, dư nợ cho vay toàn chi nhánh nói chung và cho vay phục vụ NN-NT nói riêng đã có sự tăng trưởng cao. Tính đến ngày 31-7, dư nợ cho vay phục vụ NN-NT đạt 3.625 tỷ đồng; dư nợ cho vay theo NĐ 41 là 1.309 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%; doanh số cho vay qua kênh Hội Nông dân đạt 1.191 tỷ đồng, qua kênh Hội Phụ nữ đạt 621 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng của NH tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất và chế biến nông - lâm - ngư - diêm nghiệp chiếm đến 80% tổng dư nợ cho vay theo NĐ 41; sản xuất công nghiệp - thương mại - dịch vụ phi nông nghiệp chiếm 8,3% tổng dư nợ; ngoài ra, còn phục vụ tiêu dùng trên địa bàn nông thôn, kinh doanh dịch vụ phục vụ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn.
Người dân thu hoạch mía |
Chi nhánh luôn áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng vay vốn theo NĐ 41, thấp hơn các đối tượng khác từ 1,5 đến 2%. Đặc biệt, chi nhánh đã nhiều lần chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn từ mức 20% vào năm 2011, xuống còn tối đa 7% như hiện nay để hỗ trợ, giúp người dân giảm bớt khó khăn, phát triển sản xuất.
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa: Agribank Chi nhánh Khánh Hòa cần bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong lĩnh vực NN-NT theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để xây dựng chính sách đầu tư vốn phù hợp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền đến người vay nội dung NĐ 55; tiếp tục cải tiến, đơn giản, minh bạch thủ tục cho vay để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vay vốn… |
Bên cạnh đó, NH phối hợp với các cấp hội mở rộng đầu tư cho vay vốn, tập trung vào các hộ có phương án kinh doanh hiệu quả và có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua tín chấp của các hội, nhiều hội viên đã tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, nhiều mô hình tổ liên kết sản xuất kinh doanh, mô hình sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao đã hình thành. Có thể kể đến mô hình tổ liên kết trồng rau muống tại xã Ninh Phụng (Ninh Hòa), tổ liên kết sản xuất mía giống và tiêu thụ mía tại xã Cam Thành Nam (Cam Ranh), tổ liên kết nuôi tôm hùm lồng tại xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh)... Việc đầu tư vốn cho NN-NT, nông dân đã góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới...
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác cho vay phát triển NN-NT còn một số hạn chế: sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp nhiều rủi ro liên quan đến thời tiết, dịch bệnh, giá cả không ổn định gây thiệt hại lớn cho khách hàng vay nên việc thu hồi nợ của NH khó khăn, phát sinh nợ xấu; khả năng thu hồi nợ xấu hạn chế. Công tác cho vay thông qua tổ, hội còn một số thiếu sót nên tỷ lệ nợ xấu trong cho vay qua tổ, hội còn cao, tỷ lệ nợ xấu trong cho vay NN-NT chiếm 0,9% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu qua kênh Hội Nông dân là 1,6% và Hội Phụ nữ là 3,4%...
Chính sách tín dụng có nhiều điểm mới
Mục tiêu của Agribank Chi nhánh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020: Phấn đấu đưa tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển NN-NT chiếm trên 75% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay theo NĐ 41 và 55 đạt 1.500 tỷ đồng; tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cho vay theo NĐ 55 tối thiểu 15%/năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay theo NĐ 41 và 55 dưới 1%. Tăng trưởng nguồn vốn huy động mỗi năm từ 12 đến 15% nhằm chủ động nguồn vốn đầu tư cho NN-NT. |
Mới đây, Chính phủ đã ban hành NĐ 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT thay thế NĐ 41 với nhiều điểm mới. NH Nhà nước đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này. Theo đó, NĐ 55 bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển NN-NT, bao gồm cả những đối tượng không thuộc địa bàn nông thôn nhưng có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, bổ sung thêm liên hiệp hợp tác xã (HTX). Trong quy định cơ chế đảm bảo tiền vay, mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tăng so với NĐ 41. Cụ thể, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác, hộ kinh doanh; tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác thủy sản xa bờ; tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại; tối đa 2 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ, các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản, liên hiệp HTX; tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ khai thác hải sản xa bờ...
N.D