01:09, 02/09/2015

Khi nhiều ngân hàng tham gia cho vay bảo lãnh bất động sản

Các ngân hàng khẳng định việc tài trợ vốn và bảo lãnh cho các dự án bất động sản đảm bảo chặt chẽ.

Các ngân hàng (NH) khẳng định việc tài trợ vốn và bảo lãnh cho các dự án bất động sản đảm bảo chặt chẽ.

Mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp

 Hàng loạt NH gần đây được NHNN chấp thuận cho thực hiện hoạt động bảo lãnh cho chủ đầu tư bất động sản (BĐS) để bán, cho thuê - mua nhà hình thành trong tương lai. Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay đã có tổng cộng 38 NH được phép bảo lãnh BĐS.

Thực ra, một trong những NH được cấp phép lần này cách đây không lâu bị NHNN từ chối thực hiện hình thức bảo lãnh vì nhiều lý do. Đơn cử như trường hợp của Sacombank, lần trước, do điều lệ của NH này thiếu nghiệp vụ bảo lãnh nên không được NHNN chấp thuận. Sau quá trình đăng ký bổ sung nghiệp vụ này thì vừa qua Sacombank đã được NHNN cấp phép cho bảo lãnh BĐS.

 

Dự án BĐS có bảo lãnh của NH sẽ hạn chế rủi ro cho người mua nhà
Dự án BĐS có bảo lãnh của NH sẽ hạn chế rủi ro cho người mua nhà

 

Đánh giá về việc ngày càng nhiều NHTMCP tham gia cho vay bảo lãnh BĐS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một hướng mở tích cực cho cả NH nhỏ và doanh nghiệp (DN). Bởi đối với DN, nguồn vốn, đặc biệt vốn rẻ là rất quan trọng. Thời điểm trước, các DN thiếu vốn, không thể khởi động dự án thì nay, nhiều NH tham gia bảo lãnh sẽ kích thị trường BĐS khởi động và phát triển hơn.

 Tích cực là vậy, song cũng có ý kiến cho rằng việc mở rộng này lại khiến thị trường xáo trộn. Bởi tỷ lệ nợ xấu của một số NH thời gian qua có sự đóng góp của những dự án BĐS. Vì thế, trước sự ấm lại của thị trường, các NH, đặc biệt là NH vừa và nhỏ không có nhiều kinh nghiệm sẽ đi theo vết xe đổ của những NH lớn trước đó. Chưa kể, các DN BĐS hiện làm ăn không rõ ràng, có rất nhiều sai phạm khiến cả NH và người dân chịu thiệt.

 Không lo ngại nợ xấu tái diễn

 Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2015 tổng dư nợ cho vay BĐS đạt 330.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia NH, con số dư nợ cho vay BĐS có thể sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm nay, sau khi hàng loạt NH vừa qua được phép tham gia bảo lãnh BĐS.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các NH đang có kế hoạch cho vay rất rõ ràng để tránh bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần như trước đây. Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank cho biết, việc cho vay BĐS không đơn thuần là cho DN vay xây dự án mà nó dựa trên chiến lược tổng thể.

 Giả sử, VietBank đang tài trợ vốn cho Thuduc House đối với dự án chung cư TDH – Phước Long và thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của Thuduc House đối với khách hàng. Trong quy trình tài trợ và bảo lãnh này sẽ có 4 chủ thể tham gia bỏ vốn vào dự án gồm: chủ đầu tư, nhà thầu, người mua nhà và NH. Trong đó chủ đầu tư bỏ ra 20 đồng vốn ban đầu để xây dựng phần cọc, móng. NH sẽ cho DN vay 80 đồng còn lại. Cùng lúc đó, chủ đầu tư sẽ kêu gọi vốn hỗ trợ từ nhà thầu và huy động vốn từ người mua nhà.

 Vì được phép bảo lãnh dự án nên lúc này, thực chất NH chỉ giải ngân trực tiếp cho chủ đầu tư 40 đồng, 40 đồng còn lại giải ngân gián tiếp cho người mua nhà và nhà thầu để đảm bảo an toàn cho hai đối tượng trên.

 “Cho vay không có nghĩa là đưa tiền cho chủ đầu tư mà có thể là hình thức bảo lãnh, ứng trước, cho vay gián tiếp... Điều này giúp cho NH quản lý được dòng tiền của chủ đầu tư. Như vậy NH vẫn an toàn với số tiền bỏ ra, trong khi chủ đầu tư cũng không thể sử dụng vốn vay cho chuyện khác ngoài chuyện xây dự án”, ông Nhung khẳng định.

 Để hạn chế nợ xấu trong cho vay BĐS, ông Godfrey Swain, Giám đốc khối NH bán lẻ VIB cũng chia sẻ, VIB đang hạn chế những rủi ro cho vay BĐS bằng cách tập trung cho vay mua BĐS phục vụ nhu cầu an cư chứ không áp dụng với mục đích kinh doanh BĐS, kết hợp với các công ty định giá uy tín để có thể đưa mức giá, khung giá phù hợp với thị trường để tránh nguy cơ giá ảo, tính pháp lý của các dự án BĐS, xác định nguồn trả nợ của khách hàng... Do đó, với các biến động của thị trường vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của NH.

 Suy cho cùng, lo ngại các NH vừa và nhỏ không có nhiều kinh nghiệm sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn về nợ xấu là không thừa. Thế nhưng, với những quy tắc vàng mà các NH đặt ra trong việc tài trợ vốn dự án dường như đã đưa lĩnh vực này vào vòng kiểm soát.

 Hơn nữa, các NH cho rằng, khi được cấp phép tham gia bảo lãnh, các NH cũng nhận được quyết định của Thống đốc NHNN yêu cầu nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Các TCTD khi xem xét cấp tín dụng đối với các dự án BĐS. Đồng thời, kiểm soát thời hạn cho vay, tương ứng với thời hạn huy động vốn, không để xảy ra rủi ro kỳ hạn và thanh khoản.

 Tất cả các NH được tham gia bảo lãnh BĐS đều đã được NHNN yêu cầu phải nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và sàng lọc các dự án. Lựa chọn các dự án hiệu quả, khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng. Không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định...

 Đặc biệt, để tránh rủi ro, các NH phải đưa ra một một tỷ lệ cho vay với lĩnh vực xây dựng để hạn chế rủi ro thanh khoản. Bởi xây dựng dự án đòi hỏi vốn trung và dài hạn, trong khi vốn NH chủ yếu là thời hạn ngắn... Chỉ riêng những điều này đã khẳng định chuyện nợ xấu trở lại khi mở rộng vốn vào lĩnh vực BĐS là hy hữu.

Theo Thời báo ngân hàng