10:09, 09/09/2015

Áp lực lãi suất cuối năm

Thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đã tăng cao hơn huy động. Nhiều ngân hàng (NH) đã rục rịch tăng lãi suất huy động để hút tiền tiết kiệm. 3 tháng cuối năm thường là "mùa tín dụng" của các NH, kéo theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay có thể chịu sức ép tăng.

Thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đã tăng cao hơn huy động. Nhiều ngân hàng (NH) đã rục rịch tăng lãi suất huy động để hút tiền tiết kiệm. 3 tháng cuối năm thường là “mùa tín dụng” của các NH, kéo theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay có thể chịu sức ép tăng.

 

Lãi suất huy động nhích dần, chạy đua khuyến mãi

 

Nhiều NH vừa đồng loạt tăng lãi suất huy động với mức từ 0,1 - 0,3 %/năm, áp dụng từ tháng 9/2015. Trong đó, lãi suất huy động một số kỳ hạn tại Sacombank và SeABank đã tăng thêm 0,1 %/năm, mức tăng tại VIB từ 0,2 - 0,3 %/năm. Trước đó NH An Bình cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,2 %/năm...

Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

 

Theo các NH, ngoài nhu cầu vay vốn đang tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản do thị trường này bắt đầu “ấm” lại, tiền gửi USD cũng nhích lên sau khi tỷ giá được điều chỉnh nên các NH phải tăng nhẹ lãi suất huy động VND để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm VND.

 

Một số NH dù chưa tăng lãi suất nhưng áp dụng thưởng, khuyến mãi. Đơn cử, BIDV triển khai chương trình “Tiền gửi may mắn ngập tràn”, với nhiều hình thức giải thưởng quà tặng trao ngay khi gửi tiền, giải thưởng hàng tuần, quay thưởng cuối chương trình. PVcomBank đưa ra sản phẩm “Hành trang cho con yêu” kèm theo nhiều cơ hội nhận các phần quà tặng hấp dẫn, bốc thăm trúng thưởng dành cho con yêu. Hay mới đây nhất, Nam A Bank tung ra chương trình gửi tiết kiệm khuyến mãi chào mừng sinh nhật 23 năm "Gửi tiền ngay - Quà liền tay" với gần 3.000 quà tặng ngay trên tất cả các điểm giao dịch.

Theo đó, ngoài việc được hưởng mức lãi suất hấp dẫn, mức phí ưu đãi, với số tiền gửi chỉ từ 400.000 đồng để tiết kiệm hoạch định tương lai cho con yêu hoặc 5.000.000 đồng trở lên khi tham gia sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường, khách hàng sẽ nhận ngay những phần quà ý nghĩa là nhẫn vàng 99,99 mang thương hiệu VietnamGold – Nam A Bank, đồng hồ treo tường, bộ bình nước thủy tinh, ấm đun siêu tốc, túi du lịch…

Thách thức giảm lãi suất cho vay

 

Sau hai đợt điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ của NHNN, một số NH thương mại đề nghị nâng lãi suất huy động để đối phó với những áp lực hiện tại trên thị trường ngoại hối, do nhu cầu ngoại tệ để tất toán các hợp đồng với nước ngoài cuối năm là rất lớn. Trong cuộc họp với các NH, NHNN đã yêu cầu các NH hạn chế ký mới và rút ngắn các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn và khẳng định sẽ “chưa tính đến việc tăng lãi suất cũng như tỷ giá”. Tuy nhiên, trên thực tế, sau những cam kết mới nhất của NHNN, áp lực lên tiền đồng tạm thời lắng dịu nhưng lãi suất vẫn có xu hướng tăng. Các NH cho rằng, khó có khả năng lãi suất sẽ giảm vì tín dụng đã tăng nhanh từ đầu năm cộng với cung tiền đang cao sau hai đợt điều chỉnh tỷ giá.

Thời điểm này, tín dụng đã tăng cao hơn huy động. Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 25/8, tín dụng nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014. Con số này gấp hơn 2 lần so với mức tăng 4,33% cùng thời điểm này năm 2014, trong khi tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng khoảng 7,26%. “Nếu tăng lãi suất huy động ngay sẽ giúp NH giữ chân được khách hàng, song mặt trái của nó là NH sẽ phải tăng lãi suất cho vay. Nếu phải tăng lãi suất huy động mà vẫn giữ nguyên lãi suất đầu ra thì NH lại rơi vào tình huống khó khăn do lãi biên vốn đang thấp lại thấp hơn thì NH sẽ không đảm bảo bù đắp chi phí, thậm chí rơi vào tình cảnh càng cho vay càng lỗ” - Phó Tổng giám đốc một NH cổ phần chia sẻ.

Đầu năm, ngành NH đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 – 15%, rồi sau đó điều chỉnh lên 15 – 17%. Đi kèm với đà tăng tốc của tín dụng, áp lực tăng lãi suất cho vay cũng ngày một tăng dần. Trên thực tế, một đợt điều chỉnh lãi suất huy động thêm 0,2 - 0,5% đã diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua tại hầu hết các NH. Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, điều này phản ánh thực tế thanh khoản của hệ thống không còn ở trạng thái quá dư thừa và nếu cầu vốn tăng tốc mạnh trong những tháng cuối năm, viễn cảnh tăng lãi suất cho vay sẽ không còn xa. Tuy vậy, mức độ tăng là bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào khả năng cân đối cung - cầu vốn và khả năng co kéo giữa lãi suất huy động và cho vay, đầu tư (NIM) nhằm giữ chân khách hàng của từng NH.

Trong khi đó, một số NH cho biết, giai đoạn 3 tháng cuối năm thường được giới NH gọi vui là “mùa tín dụng”. Tuy nhiên, các NH sẽ không cho vay dễ dãi như trước đây bởi một phần lo ngại nợ xấu, một phần phải đảm bảo được mức chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra hợp lý (trên 2%).

Theo Kinh tế & Đô thị