11:07, 06/07/2015

Tín dụng tăng trưởng cao

6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng khá ấn tượng với mức tăng gần 16%, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng khá ấn tượng với mức tăng gần 16%, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.


Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp


Thông thường, tín dụng tăng trưởng cao vào những tháng cuối năm; nhưng năm nay, tín dụng đã tăng trưởng tốt ngay từ những tháng đầu năm. Chỉ mới 6 tháng, tăng trưởng tín dụng đã đạt chỉ tiêu định hướng của năm 2015 là tăng 13 - 15%, có linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, tăng trưởng kinh tế của tỉnh cải thiện tích cực đã làm tăng cầu tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) tốt hơn. Các chi nhánh TCTD tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý nhưng đảm bảo an toàn, chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu; vốn tín dụng được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

 

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa


Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, các chi nhánh TCTD đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN về điều chỉnh giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn NH. 6 tháng qua, các chi nhánh TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 13%/năm) cho 1.770 lượt khách hàng với dư nợ 2.005 tỷ đồng. Hiện nay, dư nợ có lãi suất từ 13%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 96%, từ 11%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 88,62%, từ 9% trở xuống chiếm 54,93% tổng dư nợ.


Ngành NH cũng đã tiếp tục triển khai tốt chương trình kết nối NH-DN, giúp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay, duy trì và ổn định sản xuất. Đến ngày 30-6, thông qua chương trình này, đã có 1.185 khách hàng được các NH thương mại cho vay lãi suất ưu đãi với doanh số cho vay 4.572 tỷ đồng, thu hồi nợ 3.133 tỷ đồng, dư nợ 2.517 tỷ đồng.


Bên cạnh đó, ngành NH đã triển khai kịp thời, hiệu quả nhiều chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm khác như: Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ; chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ; chương trình tín dụng chính sách; chương trình tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ…


Kiểm soát chặt chất lượng tín dụng


Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai các chương trình tín dụng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo ông Nguyễn Đôn Minh - Giám đốc BIDV Chi nhánh Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm, do đồng đô la Mỹ tăng giá tương đối so với đồng Euro và đồng Yên Nhật nên đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Nhiều DN trước đây đơn hàng xuất khẩu nhiều, bây giờ chững lại, hoạt động cầm chừng nên ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng nguồn vốn cho vay phục vụ xuất khẩu.


Về triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67, tuy các NH đã rất tích cực nhưng mới ký được hợp đồng với 5 ngư dân. Nguyên nhân là ngư dân còn đắn đo khi quyết định vay, bởi giá trị con tàu quá lớn; việc lập dự toán, phê duyệt thiết kế mất nhiều thời gian. Đã vậy, khi NH cho vay, các cơ sở đóng tàu yêu cầu NH ứng tiền trước nhiều hơn so với quy chế. “Theo quy chế, NH tạm ứng 15%, nhưng cơ sở đóng tàu đòi ứng 30% mới chịu làm. NH e ngại khi cơ sở đóng tàu chưa làm gì mà NH đã phải ứng vốn lớn...” - ông Minh nói.

 

Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay của các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt 37.285 tỷ đồng, tăng 15,78% so với đầu năm (cả nước tăng 6,09%), tăng 34,64% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng tín dụng trong những năm gần đây: 6 tháng đầu năm 2010 tăng 8,83%, 6 tháng đầu năm 2011 tăng 5,96%, 6 tháng đầu năm 2012 tăng 1,86%, 6 tháng đầu năm 2013 tăng 5,85%, 6 tháng đầu năm 2014 tăng 6,75%.

6 tháng đầu năm, nguồn vốn vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn tăng trưởng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh Khánh Hòa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, NH gặp khó khăn khi niên vụ mía vừa qua là niên vụ thất bát nhất trong 8 năm trở lại đây. Ông Huy cũng phản ánh một số xã vẫn thu phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản, trong khi theo quy định không được thu phí này; mức phí truy cập thông tin tín dụng còn cao so với giá trị hợp đồng tín dụng với nông dân. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của NH.


Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ NH 6 tháng cuối năm mới đây, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Agribank Chi nhánh Khánh Hòa nêu cụ thể xã nào còn thu phí chứng thực để chỉ đạo chấm dứt; đối với phí truy cập thông tin tín dụng, UBND tỉnh và NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ kiến nghị với NHNN Việt Nam; đối với yêu cầu tạm ứng 30% kinh phí của các cơ sở đóng tàu, phía NH báo cáo cụ thể, đề xuất mức hợp lý để UBND tỉnh làm việc với các cơ sở đóng tàu.


Về hoạt động NH 6 tháng cuối năm, ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa yêu cầu các chi nhánh TCTD nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, giữ ổn định tỷ giá như hiện nay và giữ ổn định lãi suất, cố gắng rút ngắn biên độ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng phải gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro. Ông Tường cũng cảnh báo NHNN sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt vượt trần lãi suất huy động; yêu cầu các NH thương mại kiểm soát chặt nguồn vốn vay vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, không được đổ tiền vào những dự án bất động sản mới không hiệu quả; kiên quyết không cho vay những dự án đầu tư hạ tầng BOT, BT không hiệu quả..


N.D