Không chỉ với cho vay doanh nghiệp mà lĩnh vực nông thôn cũng tiếp tục được các tổ chức tín dụng đẩy mạnh trong cho vay tín chấp.
Không chỉ với cho vay doanh nghiệp (DN) mà lĩnh vực nông thôn cũng tiếp tục được các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh trong cho vay tín chấp.
Ảnh minh họa |
Cho vay tín chấp là một trong những nghiệp vụ đã được sử dụng nhiều trong hệ thống ngân hàng (NH) ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển của nghiệp vụ cho vay này thì đòi hỏi hệ thống tài chính, thông tin tài chính của các DN - khách hàng của NH phải chính xác và minh bạch.
Theo một chuyên gia NH, thực ra theo các quy định của pháp luật hiện hành thì không cấm các TCTD cho vay tín chấp. Các TCTD được xem xét quyết định cho vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản.
Theo đó, các DN có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn thì đều có thể được TCTD xem xét cho vay tín chấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc cho vay tín chấp chưa được nhiều, một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân gặp khó khăn, một số DN năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh đề nghị vay vốn.
Một cán bộ làm công tác thẩm định của NHTMCP Quân Đội (MB) cho biết, ngay cả khi vay có thế chấp tài sản, không ít khách hàng DN đưa vào hồ sơ những “thông số” rất “hoành tráng”, nhưng khi đến thẩm định và xem phương án kinh doanh của DN, cán bộ NH không nhìn thấy tính khả thi để cho vay.
“Việc cho vay tín chấp càng phải chặt chẽ hơn và cần độ minh bạch cao hơn. Với những khách hàng đạt xếp loại AAA hoặc AA thì NH có thể cho vay tín chấp. Nhưng điều quan trọng nữa là NH phải quản lý được dòng tiền của DN”, Phó tổng giám đốc một NHTMCP tại Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, một yếu tố nữa khiến các NH cũng dè dặt trong cho vay tín chấp là việc hình sự hóa các quan tín dụng. Theo một cán bộ NH, có nhiều dự án cán bộ NH thẩm định rất kỹ, vào thời điểm thẩm định các chỉ số của DN khá tốt, nhưng chẳng may bạn hàng của chính khách hàng gặp khó khăn, hoặc các sản phẩm của DN không còn được ưa chuộng khi xuất khẩu, DN khó khăn trong việc trả nợ thì NH vẫn bị coi là “tội đồ”.
Để tăng cường cho vay tín chấp, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD quan tâm hơn tới lĩnh vực này. Trong đó, các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức (như Trung tâm thông tin tín dụng Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN) kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay...
Không chỉ với cho vay DN mà lĩnh vực nông thôn cũng tiếp tục được các TCTD đẩy mạnh trong cho vay tín chấp, khi mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 55 nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 50 triệu đồng (Nghị định 41) lên 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (trước đây là 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây là 500 triệu đồng).
Ngoài ra, đối với một số đối tượng, lĩnh vực có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp (cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, hộ sản xuất, hợp tác xã, chủ trang trại nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá; liên hiệp hợp tác xã) được áp dụng các mức cho vay không có tài sản bảo đảm cao hơn (từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng).
Mới đây, trả lời đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (Nghệ An) xung quanh vấn đề cho vay tín chấp, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục tăng khả năng tiếp cận vốn vay NH, nhất là cho vay tín chấp, tránh tình trạng hình sự hóa quan hệ tín dụng, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, ngoài những cố gắng nỗ lực từ phía hệ thống NH, cần có sự nỗ lực phấn đấu của DN và sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành.
Theo Thời báo ngân hàng