Từ đầu tháng 6, áp lực từ huy động vốn giảm, trong khi tín dụng tăng đã khiến nhiều ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động VND để cân đối nguồn vốn.
Từ đầu tháng 6, áp lực từ huy động vốn giảm, trong khi tín dụng tăng đã khiến nhiều ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động VND để cân đối nguồn vốn.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng của giá USD cũng khiến lãi suất tiền đồng khó giữ nguyên.
Giữ chân khách hàng
Mới đây nhất, Agribank công bố tăng lãi suất tiền gửi bằng VND tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 18 tháng là 6,5%/năm, thay cho 6,2%/năm áp dụng trước đó; kỳ hạn 24 tháng tăng từ 6,3% lên 6,8%/năm. Đối với khách hàng là tổ chức, lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 24 tháng cũng tăng thêm 0,5%, lên mức 6,8%/năm. Trong khi đó, BIDV niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức cao nhất so với các NHTM Nhà nước là 6,5%/năm.
Ở khối NHTM cổ phần, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 - 36 tháng tại ACB được điều chỉnh tăng 0,2%. Hiện, mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 6,7% với kỳ hạn gửi 36 tháng; các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 6,2% và 6,5%/năm. Một số ngân hàng khác cũng có động thái nhích nhẹ lãi suất đầu vào.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, từ cuối năm 2014, huy động vốn bằng VND đã có dấu hiệu giảm. Vì vậy, dù không căng thẳng về vốn, các ngân hàng vẫn phải tính đến phương án tăng lãi suất để giữ chân khách hàng.
Nhiều áp lực
Theo Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất đang chịu sức ép do huy động của hệ thống tổ chức tín dụng tăng chậm hơn cho vay. Cụ thể, tính đến 31/3/2015, tổng huy động chỉ đạt 4.557 ngàn tỷ đồng, tăng 0,98% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 1,9%, bằng ngoại tệ giảm 4,9%. Tổng tín dụng đạt 3.826 ngàn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm, cho vay bằng VND tăng 2,4%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,9%.
Bên cạnh áp lực cân đối nguồn vốn, giá USD trong xu hướng tăng cũng là một nguyên nhân khiến biểu lãi suất tiền đồng được điều chỉnh tăng. Dù cam kết giữ tỷ giá ổn định (không điều chỉnh quá 2% cho cả năm 2015) nhưng đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hết mức dự kiến. Do đó, áp lực giữ tỷ giá trong giai đoạn cuối năm là rất lớn. Điều này cũng tạo ra xu hướng rút tiết kiệm để mua USD tích trữ. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ phải nâng lãi suất lên để thu hút nguồn vốn.
Mặt khác, với tác động của việc tăng giá điện và giá xăng, trong 2 tháng trở lại đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng trở lại cũng tác động tới xu hướng điều chỉnh lãi suất. Các chuyên gia cho rằng, lạm phát tăng trở lại là yếu tố khiến lãi suất chịu áp lực lớn hơn nếu muốn điều chỉnh giảm. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, lạm phát chỉ tăng nhẹ nhưng cùng với đó, đồng USD mạnh lên thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng.
Theo Kinh tế & Đô thị