Những thông tin được mã hóa trong dải băng từ, mã PIN, số thẻ, ngày hết hạn, số CVC2 (3 chữ số in ở mặt sau thẻ quốc tế) dễ bị đánh cắp nhất.
Những thông tin được mã hóa trong dải băng từ, mã PIN, số thẻ, ngày hết hạn, số CVC2 (3 chữ số in ở mặt sau thẻ quốc tế) dễ bị đánh cắp nhất.
Để được tư vấn chi tiết hơn,liên hệ các chi nhánh của BIDV trên toàn quốc hoặc liên hệ Trung tâm Chăm sóc khách hàng theo số điện thoại 1900 9247/04 22200588. |
Chiêu đánh cắp phổ biến là gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ (skimming device) tại máy ATM hoặc thiết bị thanh toán chấp nhận thẻ (POS) để lấy cắp thông tin dải băng từ. Kèm theo đó, tội phạm sẽ lắp camera ở vị trí thuận lợi hoặc đặt một bàn phím (PIN Pad) lên trên bàn phím thật để có thể lấy cắp thông tin mã PIN khi chủ thẻ thực hiện giao dịch. Tại các địa điểm cung cấp dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán bar, chủ thẻ thường tin tưởng giao thẻ cho nhân viên phục vụ để thực hiện thanh toán ở một góc xa chỗ ngồi mà không biết rằng chính lúc này thẻ của mình có thể đã bị đánh cắp thông tin.
Nắm bắt xu hướng giao dịch qua Internet dễ dàng và tiện lợi, các hacker có thể tấn công trực tiếp vào các website chấp nhận thanh toán online có độ bảo mật thấp, dễ dàng lấy cắp toàn bộ dữ liệu thông tin liên quan đến thẻ và khách hàng tại các trang web đó. Tinh vi hơn nữa, tội phạm có nhiều cách để tiếp cận trực tiếp chủ thẻ như lập các website giả, rao bán hàng hóa, thanh toán trực tuyến sau đó yêu cầu người tham gia đăng ký thông tin ban đầu với mức phí rất nhỏ, giả mạo ngân hàng phát hành thẻ để gửi e-mail, tin nhắn, điện thoại theo thông tin mà khách hàng cung cấp…
Có được thông tin trong tay, tội phạm có thể rao bán trên mạng hoặc trực tiếp trục lợi, kiếm tiền theo các cách như sản xuất thẻ giả, sao lưu thông tin chủ thẻ thật lên dải băng từ của phôi thẻ trắng, thẻ từng bị thất lạc, đánh rơi, phôi thẻ quà tặng, thẻ thành viên… rồi thực hiện giao dịch bằng PIN đánh cắp được tại ATM.
Hay chúng cũng có thể lập một công ty, cửa hàng ảo để lắp đặt POS của một ngân hàng bất kỳ, thực hiện giao dịch và "đàng hoàng" chờ tiền được ngân hàng thanh toán chuyển về tài khoản, sử dụng trực tiếp các thông tin đánh cắp được để mua sắm hàng hóa qua mạng, thực hiện các giao dịch online không xuất trình thẻ.
Một cách thận trọng và thủ đoạn hơn nhằm che mắt các giám sát viên của ngân hàng phát hành, ngân hàng thanh toán là tội phạm tạo các tài khoản ảo trên PayPal (các trang web uy tín) để nạp tiền, chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản ảo khác để kết thúc về một tài khoản thẻ trả trước vô danh và dễ dàng rút tiền mặt tại ATM từ thẻ.
Từ việc nhận diện các chiêu trò đánh cắp thông tin ở trên, các chủ thẻ trước khi thực hiện giao dịch tại ATM nên quan sát kỹ khu vực xung quanh. Bạn không nên giao dịch khi thấy ATM có biểu hiện bất thường như khe đọc thẻ xiêu vẹo, sứt mẻ, trầy xước, dán băng keo. Chủ thẻ cũng cẩn thận với một bàn phím giả được lắp ngay trên bàn phím thật sẽ ghi lại các thao tác cũng như mật khẩu khi giao dịch, luôn nhớ che tay khi nhập mã PIN.
Bảo quản thẻ tốt và bảo mật thông tin thẻ, tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ. Không đưa thẻ trao thẻ cho người khác kể cả nhân viên ngân hàng sử dụng để tránh nguy cơ lộ các thông tin bảo mật. Luôn để thẻ trong tầm mắt của mình khi giao dịch tại các đơn vị chấp nhận thẻ để chắc chắn người khác không thể sao chép thông tin thẻ dẫn đến lợi dụng thực hiện các giao dịch gian lận.
Luôn kiểm tra hóa đơn sau khi thực hiện giao dịch để chắc chắn rằng thông tin trên hóa đơn là chính xác. Giữ lại tất cả những hóa đơn này để đối chiếu với đợt sao kê giao dịch thẻ liền kề. Thận trọng khi lựa chọn giao dịch qua Internet, chọn các trang web có uy tín, độ bảo mật cao. Hạn chế thanh toán giao dịch online tại các máy tính hay mạng Internet công cộng mà bạn không chắc chắn về tính bảo mật của chúng.
Theo đại diện BIDV, người sử dụng dịch vụ thẻ của ngân hàng này còn có thể yêu cầu nhà băng khóa chức năng chi tiêu trên mạng (giao dịch E-commerce) nếu không có nhu cầu sử dụng thường xuyên. Trường hợp phát hiện thẻ bị mất cắp thất lạc hoặc có nghi ngờ bị lợi dụng, chủ thẻ cần gọi tới tổng đài chăm sóc khách hàng của BIDV để yêu cầu khóa kịp thời.
"Cẩn trọng với những đường link, e-mail hay những cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin thẻ. Chúng tôi không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp hết các thông tin theo cách thức như vậy. Do đó, trong tình huống này chủ thẻ nên liên hệ với BIDV để xác thực lại", đại diện BIDV chia sẻ.
Sử dụng dịch vụ SMS banking cũng là một giải pháp sử dụng thẻ an toàn. Hiện nay tại BIDV, khi khách hàng phát hành thẻ đều được mặc định đăng ký dịch vụ SMS để giúp kiểm soát thường xuyên biến động của tài khoản.
BIDV đang ứng dụng công nghệ thẻ Chip theo chuẩn EMV, thẻ từ dập nổi với tính bảo mật cao, hạn chế tới mức thấp nhất khả năng bị đánh cắp thông tin nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm khi thực hiện giao dịch.
Theo Vnexpress