Thời gian hưởng lãi suất ưu đãi, phí phạt nếu trả nợ trước hạn, khả năng chịu đựng rủi ro khi lãi suất thay đổi... là những điều cần xem xét kỹ trước khi vay vốn ngân hàng để mua nhà.
Thời gian hưởng lãi suất ưu đãi, phí phạt nếu trả nợ trước hạn, khả năng chịu đựng rủi ro khi lãi suất thay đổi... là những điều cần xem xét kỹ trước khi vay vốn ngân hàng để mua nhà.
Theo ông Lâm Việt Uối - Giám đốc sản phẩm nhà đất - Khối ngân hàng cá nhân - Ngân hàng ACB, các hộ gia đình trẻ, những người thu nhập từ 10 triệu đồng là nhóm khách hàng tiềm năng mà các ngân hàng đang hướng tới để duyệt hồ sơ cho vay mua nhà. Nhưng muốn kế hoạch trả nợ trong tầm kiểm soát của mình, người vay cần lưu ý kỹ các yếu tố sau:
Ảnh minh họa |
Chọn thời gian vay phù hợp
Tuỳ vào thu nhập và khả năng trả nợ mà bạn nên chọn thời hạn vay phù hợp. Nếu thu nhập thấp thì bạn nên kéo dài thời hạn vay. Điều này giúp bạn giảm số tiền gốc hàng tháng phải trả cho ngân hàng. Vì là vay mua nhà nên giá trị vay lớn, bạn cần xác định rõ trong thời hạn vay bao lâu mình sẽ trả được nợ.
Cần nắm rõ thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi
Lãi suất thấp là yếu tố đáng quan tâm. Tuy nhiên, sự ổn định trong mức lãi suất và sự minh bạch trong công thức tính lãi suất là yếu tố tiên quyết giúp người đi vay chủ động tính toán kế hoạch vay và trả nợ.
Thông thường có 2 khoản thời gian áp dụng. Lãi suất vay ngay khi ký hợp đồng (thường được gọi là lãi suất vay kỳ đầu, có thể là 3, 6, 12, 24, 36 tháng), lãi suất vay sau khoản thời gian cố định lãi suất đầu tiên.
Khi vay vốn, các ngân hàng thường thông báo lãi suất kỳ đầu. Các kỳ tiếp theo tùy vào quy định của từng ngân hàng sẽ có cách thức tính toán khác nhau.
Tìm hiểu kỹ việc thu hồi lãi suất ưu đãi, phí trả nợ trước hạn
Thông thường, các chương trình ưu đãi chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định và có quy định thời hạn vay tối thiểu, thời gian còn lại áp dụng lãi suất thị trường. Nếu bạn trả hết nợ trong khoản thời gian hưởng ưu đãi thì có thể phải trả lại phần lãi đã được ưu đãi.
Đối với việc trả nợ trước hạn, tức bạn trả nhiều hơn so với quy định đã thống nhất với ngân hàng khi ký hợp đồng tín dụng, có thể sẽ bị phạt (mức phạt trả nợ trước hạn tùy mỗi ngân hàng).
Tính toán kỹ phương án trả nợ
Thông thường khi vay vốn mua nhà, nếu bạn đã lập gia đình thì thu nhập dùng để trả nợ sẽ bao gồm thu nhập của cả vợ và chồng. Ví dụ tổng thu nhập của hai vợ chồng là 25 triệu đồng một tháng.
Nếu bạn cần vay mua nhà 600 triệu đồng và trả trong 10 năm thì vốn gốc phải trả hàng tháng là 5 triệu đồng, tiền lãi 3,5 triệu đồng (giả định lãi vay ưu đãi 7% một năm). Như vậy, tổng vốn và lãi mỗi tháng là 8,5 triệu đồng. Nếu chi phí sinh hoạt của gia đình là 5 triệu đồng một tháng thì thu nhập còn lại là 11,5 triệu đồng. Như vậy bạn có khả năng trả nợ.
Hiện nay, một số ngân hàng tung ra các sản phẩm vay mua nhà với mức lãi suất hấp dẫn, thậm chí thấp hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi này thường chỉ áp dụng trong thời gian ngắn 3-6 tháng, trong khi hầu hết các khoản vay bất động sản đều là khoản vay dài hạn từ 3 năm trở lên. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất thường được thả nổi và người vay thường khá bị động trong kế hoạch trả nợ. Ngoài ra, một số ngân hàng còn áp dụng phạt trả nợ trước hạn, phí thẩm định tín dụng hoặc thẩm định tài sản thế chấp. Do đó, tổng số tiền trả nợ trên lãi suất được công bố cộng với số tiền phạt trả nợ trước hạn lại cao hơn mức lãi suất trung bình trên thị trường.
Khi đi vay, ai cũng mong muốn trả nợ càng sớm càng tốt. Hiện tại, ngân hàng ACB có chính sách miễn phạt trả nợ gốc trước hạn nếu số tiền thanh toán gốc mỗi tháng thấp hơn 50 triệu đồng. Nhà băng này cũng miễn phạt trả nợ trước hạn kể từ năm thứ 5 trở đi cho những ai sử dụng sản phẩm vay "Ngôi nhà đầu tiên".
Sản phẩm này có thời gian tối đa 240 tháng, không thu hồi tiền lãi ưu đãi. Với mức lãi suất rõ ràng, người vay có thể tính toán được khoản trả nợ hàng tháng trong thế chủ động để hạn chế rủi ro khi ngân hàng đột ngột thay đổi lãi suất, vượt quá khả năng chi trả của mình.
Theo vnexpress