Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: NHNN điều hành tỷ giá theo phương châm tăng vị thế VND. Thời gian tới, vẫn tiếp tục hướng này.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: NHNN điều hành tỷ giá theo phương châm tăng vị thế VND. Thời gian tới, vẫn tiếp tục hướng này.
Chuyên gia đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần kiên định với mục tiêu duy trì giá trị đồng nội tệ (Ảnh minh họa: KT) |
Tỷ giá là một nội dung quan trọng được nhiều chuyên gia bàn thảo tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, trong đó nổi bật là câu hỏi: Điều chỉnh tỷ giá thế nào để có lợi cho nền kinh tế?
Tỷ giá năm 2014 chịu nhiều áp lực hơn năm 2014
Nhìn lại chính sách tỷ giá năm 2014, TS Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đánh giá: về cơ bản, tỷ giá được giữ ổn định, giữ trong biên độ 21.036 -21.246 đồng/USD. Cùng với đó, việc giữ chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD (4-5%) với hướng có lợi hơn cho việc nắm giữ VND đã làm tăng tính hấp dẫn của tiền đồng, khuyến khích doanh nghiệp bán USD cho ngân hàng, làm tăng cung ngoại tệ, góp phần khắc phục tình trạng đô la hóa, ổn định thị trường ngoại hối năm 2014.
Đối với năm 2015 này, TS Tuấn cho rằng, chính sách tỷ giá cần điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu lạm phát. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần kiên định với mục tiêu duy trì giá trị đồng nội tệ, nhằm gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, giảm dần trình trạng đô la hóa trong nền kinh tế diễn ra trong những năm qua.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Chính sách tỷ giá cần được ưu tiên duy trì ổn định trong giai đoạn trước mắt. Còn trong trung và dài hạn, cần được xem xét, cân nhắc tổng thể các yếu tố của nền kinh tế trên cơ sở theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước để chủ động có những kịch bản xử lý linh hoạt khi cần thiết”.
Trong bối cảnh năm nay, ông Tuấn cho rằng, việc giữ ổn định tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực hơn năm 2014. Mặc dù đã được điều chỉnh thêm 1% vào đầu năm 2015 và cam kết không điều chỉnh quá 2% trong năm nay, nhưng tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực.
Lý do của áp lực đó, ông Tuấn chỉ ra là: Thứ nhất, đồng USD đang tăng giá nhiều so với các ngoại tệ khác; Thứ hai, lãi suất đô la Mỹ được kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cho tăng sớm vào tháng 6/2015 làm cho Chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất 12 năm. Thứ ba, dư địa điều chỉnh tỷ giá không còn nhiều sau khi đã được điều chỉnh 1% vào đầu tháng 1/2015.
Điều hành theo phương châm tăng vị thế VND
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn băn khoăn về những biến động tỷ giá trên thị trường thời gian gần đây, trong khi đó tín hiệu từ phía NHNN dường như “không động tĩnh gì”. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Dù chỉ số giá đồng USD đang tăng mạnh trên thị trường thế giới, nhưng sau những động thái chính sách của Fed gần đây, USD có biểu hiện giảm giá. USD tăng giá chỉ chủ yếu so với các đồng ngoại tệ chủ chốt như euro.
Trong bối cảnh đó, “việc điều hành chính sách tỷ giá phải rất thận trọng. Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá tăng, giảm là bình thường. Có thể do có những ngày nguồn cung lớn hơn thì tỷ giá giảm, còn khi cầu tăng lên thì giá tăng”- bà Hồng cho biết.
Hiện tại, theo bà Hồng, so với mức trần 21.673 đồng/USD thì tỷ giá vẫn trong biên độ kiểm soát của NHNN.
Đặc biệt, theo Phó Thống đốc, “tỷ giá là vấn đề nhạy cảm, nó không chỉ chịu tác động của yếu tố cung – cầu mà còn là tâm lý kỳ vọng của thị trường. Do đó, điều hành chính sách tỷ giá phải quyết định đúng thời điểm, liều lượng”.
Quan điểm điều hành tỷ giá của NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “NHNN tránh để các yếu ngắn hạn gây áp lực lên thị trường ngoại tệ. Điều hành tỷ giá theo phương châm tăng vị thế VND. Thời gian tới, vẫn tiếp tục hướng này. Nó đồng thời cũng hợp với chủ trương của Chính phủ về việc chống đô la hóa nền kinh tế”.
Cho nên, trước những băn khoăn về việc tỷ giá biến động, việc điều chỉnh tăng, giảm có thể có lợi cho ngành này, ngành kia, Phó Thống đốc cho rằng, việc điều hành tỷ giá không chỉ nhìn vào xuất khẩu hay nhập khẩu ở một nhóm ngành hàng nào đó mà phải trên bình diện tác động tới cả nền kinh tế./.
Theo VOV