Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, với mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% trong năm 2015, ngành ngân hàng phải tập trung xử lý rốt ráo nợ xấu đã tồn đọng từ những năm trước và hạn chế phát sinh thêm.
Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, với mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% trong năm 2015, ngành NH phải tập trung xử lý rốt ráo nợ xấu đã tồn đọng từ những năm trước và hạn chế phát sinh thêm.
Khống chế nợ xấu ở mức thấp
Bà Huỳnh Thị Kim Dung - Giám đốc NH Thương mại Cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay toàn Chi nhánh đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,6% tổng dư nợ. Năm 2015, Chi nhánh tiếp tục khẳng định chất lượng tín dụng với mục tiêu dư nợ cho vay tăng trưởng 15 - 20%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Đến cuối năm 2014, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Khánh Hòa đạt dư nợ cho vay 4.492 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,31%, giảm 0,92% so với đầu năm. Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, xác định tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững là nhiệm vụ then chốt, quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh, năm 2015, Chi nhánh đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Còn ông Bùi Hòa Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, tỷ lệ nợ xấu tại Chi nhánh đang ở mức 1%. Chi nhánh đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu giảm dưới mức 1%...
Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh ở mức thấp (2,26%), đạt mục tiêu đưa nợ xấu về dưới mức 3% trong năm 2015.
Tăng cường xử lý nợ xấu
Theo ông Nguyễn Xuân Huy, sở dĩ tỷ lệ nợ xấu của Agribank Chi nhánh Khánh Hòa thấp là do trong năm qua, Chi nhánh đã thu hồi được một số khoản nợ xấu tương đối lớn. Chi nhánh đã bán 24 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của TCTD Việt Nam (VAMC). Ngoài Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, một số chi nhánh NH khác trên địa bàn tỉnh như: NH TMCP Nam Á Chi nhánh Nha Trang, NH TMCP Quốc Tế Chi nhánh Nha Trang, NH TMCP Kiên Long Chi nhánh Khánh Hòa, NH TMCP Bản Việt Chi nhánh Nha Trang cũng đã bán một số khoản nợ xấu cho VAMC. Tổng số nợ xấu các chi nhánh NHTM trên địa bàn đã bán cho VAMC là 69 tỷ đồng.
Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đã bán 24 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC |
Thời gian qua, Chi nhánh NHNN tỉnh luôn yêu cầu các chi nhánh TCTD mở rộng tín dụng trên cơ sở nguồn vốn lành mạnh, đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa các rủi ro và hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh. Chi nhánh NHNN đã tổ chức hội nghị triển khai phối hợp công tác giữa NH Khánh Hòa và Cục Thi hành án dân sự tỉnh, yêu cầu các chi nhánh TCTD phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án và các cơ quan có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thi hành bản án dân sự về xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu cho các NHTM.
Đặc biệt, trong năm 2014, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại để xem xét, chỉ đạo giải quyết một số kiến nghị liên quan đến công tác thi hành án của các NHTM trên địa bàn. Đồng chí đã chỉ đạo cơ quan thi hành án rà soát và có kế hoạch cụ thể đối với các vụ việc tồn đọng liên quan đến NH, thực hiện thi hành án đúng quy trình và nhanh chóng. Các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ xử lý hiệu quả các vụ án, hỗ trợ NH thu hồi vốn vay, giải quyết nợ xấu, khơi thông nguồn vốn để tái đầu tư phát triển kinh tế địa phương.
Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân: Khách hàng không có thiện chí trả nợ; thị trường bất động sản đóng băng dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ chậm; các ngành chức năng chưa phối hợp đồng bộ với NH để xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi vốn; cơ chế thực thi pháp luật chưa thực sự bảo vệ quyền chủ nợ của NH. Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của các NH là công tác xử lý tài sản đảm bảo. Ông Hoàng Minh Hùng - Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa bày tỏ, để đưa đồng vốn quay lại phục vụ phát triển kinh tế phải xử lý nhanh tài sản đảm bảo; thế nhưng thực tế lại có những vụ việc kéo dài dây dưa nhiều năm làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động NH. Ông Cao Thế Trọng - Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng công tác xử lý tài sản đảm bảo vẫn còn nhiều vướng mắc, đơn cử có trường hợp đấu giá tài sản thế chấp thành công, người mua đã nộp tiền nhưng chưa được bàn giao tài sản.
Để tăng cường xử lý nợ xấu, ông Đoàn Vĩnh Tường cho biết, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện đồng bộ những giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động làm việc với cơ quan thi hành án và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu, khơi thông dòng vốn. Về phía NHTM, theo ông Bùi Hòa Thịnh, các NH cần tích cực đôn đốc, phối hợp với khách hàng trong công tác xử lý nợ xấu; tăng cường công tác xử lý nợ xấu, kể cả biện pháp khởi kiện, xử lý tài sản bảo đảm; phối hợp tốt với cơ quan tòa án, thi hành án để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; bán nợ cho VAMC; thực hiện các giải pháp giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp như: cơ cấu nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi...
N.D
Thống đốc NHNN vừa ban hành Chỉ thị số 02 về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD. Theo Chỉ thị này, để tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm, Thống đốc yêu cầu các TCTD nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về an toàn hoạt động NH, cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; nghiêm cấm sử dụng biện pháp che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh; nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho TCTD; triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng; xây dựng và báo cáo NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 (chi tiết chỉ tiêu xử lý nợ xấu cho từng tháng), trong đó có các giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC; rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu; kịp thời báo cáo NHNN tình hình, kết quả phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu...