Đầu năm, ngành Ngân hàng Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14%. Đến nay, tín dụng đã tăng trưởng hơn 13%. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng 14 - 15%.
Đầu năm, ngành Ngân hàng (NH) Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14%. Đến nay, tín dụng đã tăng trưởng hơn 13%. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng 14 - 15%.
- Ông đánh giá như thế nào về kết quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN năm nay?
- Ngay từ đầu năm, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2014. Quan điểm của Thống đốc là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả.
Kết quả, lạm phát đã được kiểm soát. Về chính sách tín dụng, đã đưa ra các giải pháp hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cung ứng vốn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SX-KD). Một số chính sách tín dụng đặc thù được ban hành góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Về điều hành tỷ giá và quản lý thị trường vàng, năm nay, thị trường vàng, tỷ giá và đồng Việt Nam đều ổn định, biến động tỷ giá chỉ trong phạm vi 1%. Giá vàng trong nước không còn “nhảy múa”, không để đầu cơ làm giá thu lợi. Bước tiếp theo là khai thác được vàng dự trữ trong dân phục vụ phát triển kinh tế.
Thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, nợ xấu được kiềm chế và xử lý đã góp phần lành mạnh hóa và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế để tái đầu tư phát triển kinh tế. NHNN kiểm soát chặt hoạt động NH thương mại (NHTM) để tăng trưởng tín dụng nhưng không phát sinh nợ xấu mới. Vốn đưa đến đúng mục tiêu, ưu tiên cho các lĩnh vực SX-KD. Trên địa bàn tỉnh, nợ xấu của các tổ chức tín dụng dưới 2,5%.
- Xin ông cho biết kết quả hoạt động NH Khánh Hòa 10 tháng năm 2014?
- Ngay từ đầu năm, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chủ động chỉ đạo các chi nhánh NHTM triển khai nhiệm vụ bám sát chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Kết quả, 10 tháng qua, tín dụng tăng trưởng đã đạt chỉ tiêu. Đến cuối tháng 10-2014, tổng dư nợ cho vay đạt 29.457 tỷ đồng, tăng 13,55% so với đầu năm. Điều quan trọng không chỉ là tăng trưởng tín dụng mà nguồn vốn NH đã phục vụ hiệu quả cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Hiện nay, dư nợ có lãi suất từ 11%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 79,81% trong tổng dư nợ; từ 9% trở xuống chiếm 44,19%. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực SX-KD với lãi suất từ 11% trở xuống chiếm 81,9%; từ 9% trở xuống chiếm 46,01%.
Ngành NH Khánh Hòa đã triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và các chính sách tín dụng đặc thù. Trước hết phải kể đến chương trình kết nối NH-DN đã cung ứng nguồn vốn giá rẻ cho DN. Trong khuôn khổ chương trình, ngành NH Khánh Hòa đã tổ chức 3 hội nghị đối thoại giữa NH-DN, lễ ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi tại TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh cùng với huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa với huyện Vạn Ninh. 8 NHTM ký kết cho 85 DN vay với số tiền hơn 2.157 tỷ đồng.
Về chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, Khánh Hòa là một trong số các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình này do trên địa bàn tỉnh có sản phẩm nhà ở chính sách và nhà ở thu nhập thấp. Các chi nhánh NHTM giải quyết hồ sơ vay của khách hàng nhanh chóng. Đến cuối tháng 10, các chi nhánh NH tiếp nhận 552 hồ sơ, giải ngân cho 552 khách hàng cá nhân với số tiền cam kết cho vay 184,9 tỷ đồng, dư nợ 178,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng Vietcombank Chi nhánh Nha Trang giải ngân 435 hồ sơ với dư nợ 141 tỷ đồng.
Triển khai chương trình cho vay thí điểm mô hình chuỗi liên kết, Khánh Hòa đề xuất 2 đơn vị, trong đó đã có một đơn vị được NHNN phê duyệt. Đó là Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa với dự án “Đầu tư, tổ chức thu mua và bao tiêu sản phẩm mía đường tại tỉnh Khánh Hòa và huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk”, được Vietcombank Chi nhánh Nha Trang cam kết cho vay 162 tỷ đồng. Chương trình cho vay đối với DN nhỏ và vừa, tín dụng đối với các đối tượng chính sách cũng được triển khai hiệu quả.
- Theo ông, vì sao trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành NH Khánh Hòa vẫn có thể về đích sớm?
- Sở dĩ tín dụng tăng trưởng tốt trước hết là do bản thân các DN đã tính toán căn cơ, chủ động kiểm soát thị trường để vượt khó. Bên cạnh đó, nhờ sự chỉ đạo sát sao, tích cực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, NH; cơ chế chính sách phù hợp, đúng hướng và nỗ lực cân bằng lợi ích NH-DN của các chi nhánh NH nhằm đẩy vốn vào các lĩnh vực SX-KD đã thúc đẩy tín dụng tăng trưởng.
- Ông dự đoán như thế nào về khả năng tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm?
- Từ nay đến cuối năm, DN có khả năng tăng nhu cầu vốn SX-KD, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Nhiệm vụ của các chi nhánh NHTM là phải đáp ứng đủ vốn cho DN. Bên cạnh đó, chú trọng nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vì chuẩn bị vào vụ mùa. Dịp cuối năm thường có sự biến động tỷ giá ngoại tệ do nhu cầu thanh toán lớn nên các NH phải chấp hành nghiêm túc điều hành của Thống đốc NHNN để giữ ổn định thị trường ngoại tệ. Dự báo, khả năng ngành NH Khánh Hòa đạt tăng trưởng tín dụng 14 - 15%.
- Xin cảm ơn ông!
N.D (Thực hiện)