10:10, 06/10/2014

Áp lực xử lý nợ xấu

Nợ xấu đang là vấn đề thời sự của nền kinh tế. Việc giải quyết bài toán nợ xấu đòi hỏi ngành Ngân hàng cần có nhiều biện pháp để tháo gỡ...

Nợ xấu đang là vấn đề thời sự của nền kinh tế. Việc giải quyết bài toán nợ xấu đòi hỏi ngành Ngân hàng cần có nhiều biện pháp để tháo gỡ...


Cố gắng xử lý nợ xấu


Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình hình xử lý nợ xấu và đòi hỏi Thống đốc có giải pháp mạnh mẽ cho vấn đề này.


Đến tháng 7-2014, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ nợ xấu là 4,11%. Có nhiều phương thức xử lý nợ xấu như: Các TCTD tự xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro, bên vay cải thiện tình hình có điều kiện trả nợ cho NH, Chính phủ đứng ra xử lý nợ xấu (ở Việt Nam là qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam - VAMC), các giải pháp tổng thể về cơ chế chính sách để tạo ra sự phát triển kinh tế.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến nay, dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN, các TCTD đã tham gia tích cực vào quá trình xử lý nợ xấu. Trước đây, các TCTD thường che giấu nợ xấu, ít trích lập dự phòng rủi ro để có thêm nguồn tiền chia cổ tức, chia lợi nhuận. Nhưng 3 năm qua, NHNN đã kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, buộc các TCTD phải nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro. Mỗi năm, các TCTD đã trích lập khoảng 70.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Phần lớn các TCTD đã không chia cổ tức, dành nguồn vốn nâng cao năng lực tài chính. 3 năm qua, hệ thống đã xử lý được hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu (khoảng 53% số nợ xấu). Trong đó, Công ty VAMC chuyên mua bán nợ xấu đến nay đã mua 86.000 tỷ đồng; số còn lại xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD. Hiện nay, các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 78.000 tỷ đồng để tiếp tục xử lý nợ xấu. Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu có giá trị cao gấp 2 lần các khoản nợ xấu. “Theo kế hoạch năm nay, VAMC mua 70.000 tỷ đồng (đến ngày 24-9 đã mua được 47.000 tỷ đồng), cộng với 78.000 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD, hy vọng đến cuối năm nay sẽ xử lý một bước căn cơ nợ xấu” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.


Vướng khi xử lý tài sản thế chấp


Đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh là 2,23% (cả nước 4,11%). Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, với tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%, Khánh Hòa nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ nợ xấu thấp. Điều này phản ánh đúng chất lượng tín dụng trên địa bàn. Các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) đã tuân thủ nghiêm quy trình nghiệp vụ. Hệ thống NH tích cực phân loại nợ, trích lập phòng ngừa rủi ro; phối hợp với cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp. Từ nay đến cuối năm, ngành NH Khánh Hòa cố gắng không để gia tăng các khoản nợ xấu mới; đồng thời, tập trung xử lý nợ xấu đã phát sinh, giữ mức nợ xấu dưới 2,5%.


Một trong những biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả là bán tài sản thế chấp thu hồi nợ. Nhưng theo lãnh đạo các chi nhánh NHTM, việc xử lý tài sản đảm bảo thế chấp vẫn rất khó dù NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cũng như Tỉnh ủy, chính quyền địa phương đã nhiều lần tìm cách tháo gỡ. Trong năm 2013, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị triển khai phối hợp công tác giữa NH Khánh Hòa và Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhằm tạo cầu nối liên kết giữa các NHTM và các đơn vị thi hành án để cùng nhau hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu. Mới đây, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại để xem xét, chỉ đạo giải quyết một số kiến nghị liên quan đến công tác thi hành án của các NHTM trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Thanh Quang đã chỉ đạo cơ quan thi hành án rà soát và có kế hoạch cụ thể đối với các vụ việc tồn đọng liên quan đến các chi nhánh NH; thực hiện thi hành án đúng quy trình và nhanh chóng. Các sở, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ và xử lý hiệu quả các vụ án, hỗ trợ NH thu hồi vốn vay, giải quyết nợ xấu, khơi thông nguồn vốn để tái đầu tư phát triển kinh tế địa phương.


Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, phát mại tài sản mất rất nhiều thời gian, thường mất nhiều năm mới thu được tiền. Đây là ách tắc rất lớn trong xử lý nợ xấu. Trong buổi gặp mặt với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đầu tháng 10, lãnh đạo các chi nhánh NHTM tiếp tục phản ánh xử lý tài sản đảm bảo khó khăn, nhiêu khê, thủ tục, quy định chồng chéo và kiến nghị Quốc hội có giải pháp giải quyết vướng mắc này. Theo lãnh đạo một chi nhánh NH, kiện tụng ra Tòa mất cả năm, thậm chí là nhiều năm. Sau đó, lại “năn nỉ” thi hành án, lấy được tiền cực kỳ gian nan. Từ đó, kiến nghị Quốc hội mạnh dạn thay đổi cơ chế thi hành án; cho phép cơ quan thi hành án không phải của Nhà nước giống như thay đổi trong hoạt động công chứng trước đây. Nói về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, nếu chờ Quốc hội sửa đổi tất cả các luật có liên quan (về đăng ký giao dịch bảo đảm, đấu giá tài sản, thi hành án...) sẽ rất lâu; có lẽ, giải pháp tình thế là Chính phủ tập hợp những vướng mắc, nội dung cần sửa đổi trình ra Quốc hội để có nghị quyết điều chỉnh.


N.D