Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương nhận định, tổng cầu ghi nhận sự phục hồi yếu, điều này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng không tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2014.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định, tổng cầu, gồm cầu đầu tư và cầu tiêu dùng ghi nhận sự phục hồi yếu, điều này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng không tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2014.
Tăng trưởng cả năm khoảng 5,6-5,7%
Theo VCBS, số liệu hàng tồn kho ở mức cao tiếp tục làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi không đồng đều và chưa đảm bảo tính bền vững của lĩnh vực sản xuất. Theo đó, tại thời điểm 1/8/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,4% (yoy), cao hơn đáng kể so với con số 9% cùng kỳ 2013. Tỷ lệ tồn kho bình quân cũng tăng nhẹ từ mức 77,2% của tháng 7 lên 77,3%, cao hơn so với con số 74,6% của cùng kỳ 2013 và đồng thời cũng bỏ xa mức bình thường 65%. Ngoài ra, các DN tiếp tục phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao do chịu sức ép từ chi phí vận tải sau khi quy định về tải trọng được siết chặt.
Ngoài số liệu về hàng tồn kho, tăng trưởng tín dụng ở mức tương đối thấp cũng là một tín hiệu không khả quan cho thấy sự phục hồi của cầu đầu tư cũng như niềm tin của khu vực tư nhân đều ở mức yếu.
Về cầu tiêu dùng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận mức tăng vừa phải, chỉ 11,4% (yoy) (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%), thấp hơn con số 12,3% của cùng tháng 8/2013. Như vậy, cầu tiêu dùng chưa thực sự cho thấy sự cải thiện tốt, dù rằng tháng 8 năm nay khá gần với dịp Tết Trung Thu.
Công ty này cũng dự báo, GDP quý 3 sẽ tăng vừa phải 5,6%-5,7%, tương ứng khoảng 5,3%-5,4% trong 9 tháng/2014 và sẽ tiếp tục duy trì tố độ cải thiện này trong quý 4, tăn trưởng GDP cả năm 2014 nhiều khả năng sẽ đạt khoảng 5,6%-5,7%.
Lạm phát chỉ khoảng 4%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng nhẹ 0,22% so với tháng trước, tăng 1,84% so với cuối năm 2013 và tăng 4,31% so với cùng kỳ. Có 8/11 nhóm hàng ghi nhận mức tăng trong rổ chỉ số, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm Hàng ăn và Dịch vụ ăn uống (+0,45%), với hiệu ứng từ dịp cận Tết Trung Thu và ảnh hưởng của hoạt động thu mua gạo thực hiện hợp đồng mới xuất khẩu sang thị trường Philipines và Malaysia, đứng thứ hai là nhóm May mặc, giày dép và mũ nón (+0,32%). Ở chiều ngược lại có 3 nhóm hàng ghi nhận mức giảm là nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,31%) với việc giá gas giảm khoảng 12.000 đồng/kg, nhóm Giao thông (-0,06%) với tác động của việc giảm giá xăng và nhóm Bưu chính viễn thông (-0,02%).
Theo VCBS, CPI tăng thấp trong thời gian qua có một số nguyên nhân chính như (1) việc điều tiết cung tiền tốt, (2) giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là do Nhà nước quản lý, có mức tăng không quá mạnh, và (3) nguyên nhân quan trọng nhất là sức cầu trong nước phục hồi yếu.
Đánh giá về diễn biến CPI tháng 9, VCBS cho biết, việc giảm đáng kể giá xăng sau 5 lần giảm liên tiếp chỉ trong vòng 40 ngày sẽ bớt áp lực đáng kể lên lạm phát. Ở chiều ngược lại, CPI của tháng 9 sẽ chịu áp lực từ việc tăng giá dịch vụ y tế tại Hà Nội từ giữa tháng 8 và hiệu ứng tăng giá Dịch vụ Giáo dục trước thềm năm học mới, tuy nhiên mức tăng của hai nhóm hàng này sẽ không nhiều và mạnh như cùng kỳ năm ngoái.
Vì vậy, VCBS dự báo, CPI tháng 9 sẽ tăng khoảng 0,5 - 0,6% so với tháng trước, tương ứng với mức tăng 3,7 - 3,8% so với cùng kỳ. "Với việc tổng cầu phục hồi chưa mạnh và giá các mặt hàng thiết yếu không quá biến động trong những tháng tiếp theo, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ lạm phát cả năm 2014 chỉ khoảng 4%", VCBS nhận định.
Theo Thời báo Ngân hàng