06:09, 23/09/2014

Lãi suất huy động giảm, nguồn vốn vẫn tăng

Từ ngày 25-8, một số ngân hàng thương mại lớn đã giảm lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,5%/năm. Đến nay, theo đại diện các chi nhánh NH, tuy lãi suất giảm nhưng nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng.

Từ ngày 25-8, một số ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đã giảm lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,5%/năm. Đến nay, theo đại diện các chi nhánh NH, tuy lãi suất giảm nhưng nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng.


Giảm lãi suất huy động


Lãi suất huy động giảm chủ yếu ở các NH lớn, trong khi các NH nhỏ vẫn giữ lãi suất ở mức cao hơn. Lãi suất huy động của NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Khánh Hòa vừa giảm ở một số kỳ hạn từ 0,3 đến 0,5%/năm. Hiện nay, lãi suất của Chi nhánh dao động từ 4,5 đến 6%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng; 6,5% kỳ hạn 12 tháng; 6,8 - 7% cho các kỳ hạn trên 12 tháng. NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Khánh Hòa đã duy trì mức lãi suất tiền gửi ổn định trong nhiều tháng qua. Mới đây, Chi nhánh đã điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động tiền gửi cá nhân so với biểu lãi suất áp dụng từ ngày 20-6. Theo đó, giữ nguyên lãi suất 5%/năm cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 2 tháng; kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 3 tháng giảm 0,5%/năm xuống còn 5%/năm; kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm 0,25%/năm xuống còn 5,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng còn 5,8%/năm (giảm 0,2%/năm); kỳ hạn 9 đến dưới 12 tháng giữ nguyên 6%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6,8%/năm (giảm 0,2%/năm); giữ nguyên kỳ hạn 36 tháng là 7%/năm và 48 tháng là 8%/năm.

 

Vietcombank là một trong những ngân hàng hạ lãi suất huy động đợt này.
Vietcombank là một trong những ngân hàng hạ lãi suất huy động đợt này.


Lãi suất huy động của NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm ở các kỳ hạn với biên độ giảm biến động từ 0,1 đến 0,5%/năm. Theo ông Phan Ngọc Kính - Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Cam Ranh, mức lãi suất hiện nay so với tỷ lệ lạm phát có khoảng cách hợp lý, đủ để người gửi tiền có mức lãi dương.


Nguyên nhân chính của việc các NH lớn giảm lãi suất huy động là do nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt trong khi đầu ra tín dụng còn hạn chế (bởi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu) nên hệ thống NH hiện đang thừa vốn. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát thấp cũng là cơ sở để các NH xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Việc giảm lãi suất huy động giúp NH có cơ hội giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng giảm chi phí tài chính, chủ động hơn trong đầu tư kinh doanh cũng như tiêu dùng cá nhân gia đình. Vì vậy, căn cứ vào khả năng cân đối vốn thanh khoản, cung và cầu về vốn mà các NH chủ động điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động ngắn hạn cho phù hợp với tình hình thực tế  hiện nay.


Tiền đề để giảm lãi suất cho vay?


Tuy lãi suất huy động giảm nhưng theo các NH, nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng ổn định. Tại BIDV Chi nhánh Khánh Hòa, huy động vốn từ dân cư tăng trưởng 13,5% so với đầu năm, tăng nhẹ so với đầu tháng. Đại diện Vietcombank Chi nhánh Cam Ranh, Vietinbank Chi nhánh Khánh Hòa, Vietcombank Chi nhánh Nha Trang đều khẳng định nguồn vốn huy động vẫn giữ ổn định và tăng trưởng. Lý giải việc NH hạ lãi suất huy động nhưng nguồn vốn vẫn tăng trưởng, ông Hoàng Minh Hùng - Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Nha Trang cho biết, hiện nay, doanh nghiệp khó khăn trong đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, dòng tiền trong dân cư cũng không có nhiều lựa chọn ngoài kênh gửi tiền tiết kiệm ở các NH. Tuy lãi suất gửi ở NH không cao nhưng an toàn.

 

Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa: Một số NHTM cổ phần lớn mạnh dạn hạ lãi suất huy động là phù hợp với cung, cầu vốn trên thị trường hiện nay, khi nguồn vốn huy động đang đọng lớn tại các NH. Mặt khác, tỷ lệ lạm phát 8 tháng chưa đến 2% nên mức lãi suất huy động hiện nay vẫn đảm bảo giá trị đồng tiền để người gửi tiền có lời một chút. Việc hạ lãi suất không gây sốc, vì thế, tổng nguồn vốn huy động vẫn ổn định. Các NH hầu hết hạ lãi suất ngắn hạn nên đã khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài hơn, góp phần cải thiện cơ cấu kỳ hạn, tăng nguồn vốn dài hạn hơn.

Theo bà Lê Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Khánh Hòa, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động giữa các NH không có sự chênh lệch nhiều, chênh nhau chỉ 0,1 đến 0,2%/năm giữa các kỳ hạn tương đương; vì vậy, khách hàng gửi tiền điều chỉnh sang các kỳ hạn dài hơn để được hưởng mức lãi suất cao hơn nhằm ổn định nguồn vốn của mình.


Để ổn định và gia tăng nguồn vốn huy động, các NH có chính sách nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến công tác huy động vốn; đa dạng hóa những hình thức huy động; làm tốt khâu chăm sóc khách hàng...


Về khả năng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, bà Bùi Thị Hương Lan - cán bộ Phòng Kế hoạch - Tổng hợp BIDV Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Giảm lãi suất huy động là tiền đề để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, lãi suất cho vay của BIDV tương đối cạnh tranh so với mặt bằng lãi suất chung. Việc điều chỉnh lãi suất cho vay có khả năng được xem xét trong thời gian tới”. Ông Phan Ngọc Kính cho rằng: “Sẽ có một độ trễ nhất định, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào giảm lãi suất cho vay một khi lãi suất huy động bình quân theo ngày đủ để NH hoạt động ổn định”. Còn theo bà Lê Thị Thúy Mai, các NH luôn bám sát diễn biến mặt bằng lãi suất thị trường, dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, nhu cầu cân đối vốn của toàn hệ thống để điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp trong từng thời kỳ nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hợp lý để phục hồi sản xuất, kích thích tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, đảm bảo kinh doanh hiệu quả.


N.D