Ngày 15/8/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 22/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Ngày 15/8/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Thông tư này quy định việc cho vay đặt hàng đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm: Chủ tàu theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; Các ngân hàng thương mại (NHTM) được thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD; Các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về nguyên tắc cho vay, Thông tư nêu rõ: Chủ tàu có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả gốc, lãi đúng hạn cho NHTM theo hợp đồng tín dụng; NHTM thực hiện cho vay đối với chủ tàu theo quy định của Thông tư này. Những nội dung không được quy định trong Thông tư này thì NHTM thực hiện cho vay theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của TCTD đối với khách hàng.
Ảnh minh họa. |
Thông tư cũng quy định điều kiện vay đối với cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, cụ thể như sau: Tàu đóng mới phải có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; Chủ tàu có tên trong danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể; Chủ tàu cam kết mua đầy đủ bảo hiểm theo quy định đối với thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu sau khi hoàn thành việc đóng mới, nâng cấp tàu và trước khi đưa vào sử dụng; Phương án vay vốn được NHTM thẩm định có hiệu quả, khả thi.
Đối với cho vay vốn lưu động, điều kiện vay là chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể và phương án vay vốn được NHTM thẩm định có hiệu quả, khả thi. Hạn mức, lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm e Khoản 1 và điểm c, điểm d Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Việc cho vay đóng mới, nâng cấp tàu được Ngân sách Nhà nước cấp bù một phần lãi suất. Hồ sơ, thủ tục và quy trình cấp bù lãi suất được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Lãi suất nợ quá hạn (bao gồm cả phần hỗ trợ lãi suất của Nhà nước) do NHTM và chủ tàu thỏa thuận theo quy định của pháp luật và được quy định trong hợp đồng tín dụng.
Thời hạn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ do NHTM và chủ tàu thỏa thuận, nhưng thời gian được Nhà nước hỗ trợ lãi suất không quá 11 năm kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Thời hạn cho vay vốn lưu động do NHTM và chủ tàu thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể các nội dung liên quan đến tài sản bảo đảm; phân loại nợ và xử lý rủi ro; quyền hạn và trách nhiệm của chủ tàu, của NHTM và trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2014.
Theo Thời báo Ngân hàng