Lãi suất huy động VND đang được một số ngân hàng mạnh tay điều chỉnh giảm. Theo các chuyên gia kinh tế, động thái này chỉ là chính sách riêng của một số ngân hàng trước áp lực giảm lãi suất đầu ra, kích thích tín dụng...
Lãi suất huy động VND đang được một số ngân hàng mạnh tay điều chỉnh giảm. Theo các chuyên gia kinh tế, động thái này chỉ là chính sách riêng của một số ngân hàng trước áp lực giảm lãi suất đầu ra, kích thích tín dụng để đảm bảo lợi nhuận chứ không phản ánh xu hướng chung của toàn hệ thống ngân hàng.
Lớn giảm, bé bất động
Tuần này, lãi suất huy động đã được một số ngân hàng lớn giảm sâu, xuống dưới 5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Cụ thể, từ đầu tuần, Vietcombank chính thức điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất ở tất cả các kỳ hạn đối với tiền gửi VND. Theo đó, mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng gửi bằng VND tại ngân hàng này giảm về còn 4,8%/năm. Kỳ hạn gửi 2 tháng tại Vietcombank cũng giảm về còn 5%/năm; kỳ hạn gửi 3 - 9 tháng là 5,7%/năm. Mức tiền gửi cao nhất mà Vietcombank áp dụng cho các kỳ hạn gửi dài từ 24 - 36 tháng cũng chỉ 6,8%/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất thấp nhất thị trường dành cho kỳ hạn gửi 1 tháng trong hệ thống ngân hàng. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng của BIDV hiện chỉ còn 4,5%/năm. Ở mức kỳ hạn 2 tháng, BIDV cũng giảm lãi suất về còn 5%/năm; kỳ hạn từ 3 - 9 tháng được BIDV áp dụng mức lãi 5,75 - 6,5%/năm.
Khác với các lần trước, lần này, động thái giảm lãi suất không mở rộng thành trào lưu mà chỉ diễn ra ở các ngân hàng lớn, có lợi thế về huy động. Trong khi các "ông lớn" mạnh tay giảm giá vốn huy động thì các ngân hàng tầm trung vẫn giữ nguyên biểu lãi cũ. Tại Tienphongbank, bảng niêm yết lãi suất đối với tiền gửi VND vẫn được ngân hàng này giữ nguyên từ ngày 8/7, mức lãi thấp nhất là 5,95%/năm đối với kỳ hạn gửi 1 tháng. Ngân hàng này áp dụng mức lãi cao nhất trên toàn hệ thống ở mức 7,95%/năm ở kỳ hạn 12 tháng đối với các khoản tiền gửi từ 180 tỷ đồng trở lên và không rút lãi trước hạn. Ở các kỳ hạn dài khác, từ 18 - 36 tháng mức lãi chỉ 7,5%/năm.Nguyên nhân khiến một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo xu hướng giảm là do áp lực tiếp tục hạ lãi suất cho vay, kích thích tín dụng nhằm đảm bảo lợi nhuận. Các ngân hàng CP Nhà nước như Vietcombank, BIDV… với lợi thế mạng lưới và truyền thống lâu năm vẫn "được lòng" nhiều "thượng đế" gửi tiền dù lãi suất không cao.
Liệu có giảm tiếp?
Báo cáo của NHNN cho thấy, tính đến tháng 7/2014, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5 - 1,5% điểm phần trăm so với cuối năm 2013. Theo đại diện NHNN, lãi suất huy động và cho vay hiện đã ở mức hợp lý, huy động vốn của ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trưởng, đường cong lãi suất được thiết lập lại, thanh khoản của hệ thống được cải thiện.
Hiện nay, tuy nhiều ngân hàng đang ứ vốn, thừa thanh khoản nhưng với áp lực xử lý khối nợ xấu lớn, đòi hỏi chi phí cao, các ngân hàng không dám mất cảnh giác. Chưa kể, nỗi lo mất khách hàng cũng làm nhiều ngân hàng không dám hạ lãi suất.
Ngoài ra, mức lạm phát dự kiến của năm 2014 từ 5,5 - 6%, thấp hơn so với trần lãi suất huy động 6%/năm hiện nay, cho nên việc hạ sâu thêm lãi suất cũng phải cân nhắc. Theo phân tích của TS Cao Sỹ Kiêm, việc giảm lãi tiền gửi cần căn cứ vào xu hướng lạm phát. Nếu lạm phát cao hơn mặt bằng lãi suất thì ngân hàng sẽ rất khó huy động tiền gửi. "Với xu hướng lạm phát như hiện nay và dự đoán cả năm ở mức 5,5 - 6%, lãi suất huy động phải từ 6%/năm trở lên mới có thể huy động được tiền nhàn rỗi vào ngân hàng" - TS Cao Sỹ Kiêm lý giải. Bởi vậy, lãi suất huy động khó giảm thêm.
Tính đến ngày 31/7, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98%. Trong đó, huy động bằng VND tăng 7,92%, huy động bằng ngoại tệ tăng 1,31% so với cuối năm 2013.
Theo KTĐT