Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đã dự báo như vậy tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô số tháng 7 vừa được công bố mới đây.
Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đã dự báo như vậy tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô số tháng 7 vừa được công bố mới đây.
Theo VCBS, sau đợt tăng nóng vào cuối quý 2 đi cùng với một đợt điều chỉnh tăng 1% trong tháng 6, thị trường ngoại hối và tỷ giá đã nhanh chóng ổn định trở lại không có nhiều biến động trong tháng 7 vừa qua. Tỷ giá bán tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) phổ biến ở mức 21.230 - 21.255 đồng/USD. Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá thấp hơn đôi chút so với các NHTM, phổ biến ở mức 21.200-21.230 đồng/USD mua vào và 21.220-21.250 đồng/USD bán ra.
Đáng chú ý, có thời điểm, tỷ giá lùi về dưới mức 21.246 đồng/USD, mức trần trước khi tỷ giá tăng 1% vào tháng 6. "Điều này cho thấy rõ những biến động của tỷ giá và thị trường ngoại hối vào cuối Quý 2 vừa qua mang tính ngắn hạn, phần nhiều do ảnh hưởng mang yếu tố tâm lý và kỳ vọng khi sự kiện biển Đông bất ngờ nổ ra", VCBS nhận định.
Đánh giá về động thái nâng giá mua vào lên 21.200 đồng/USD và giữ nguyên giá bán ra tại 21.400 đồng/USD của NHNN hồi giữa tháng 7, VCBS cho biết, động thái này là có hai mục tiêu chính: (1) cho thấy quyết tâm bình ổn và định hướng thị trường ngoại hối và tỷ giá của NHNN và (2) việc nâng giá chiều mua vào của NHNN sẽ tạo điều kiện để tích lũy thêm USD, tăng kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam. "Nếu không có những sự kiện bất ngờ xảy ra, chúng tôi kỳ vọng diễn biến cung cầu ngoại tệ sẽ vẫn cân bằng và trong tầm kiểm soát cũng như khả năng điều tiết của NHNN", VCBS nhận định. Theo tổ chức này, mặc dù về cuối năm cầu ngoại tệ thường có xu hướng tăng lên khi các DN tích cực nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng sản xuất. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, cung ngoại tệ khá ổn định và đủ sức đáp ứng.
Nguyên nhân, theo VCBS, do (1) hiện tại Việt Nam vẫn đang ghi nhận xuất siêu 1,26 tỷ USD đồng thời các DN xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt cho tăng trưởng, theo đó cầu ngoại tệ tăng lên phục vụ sản xuất thì cũng sẽ có nguồn cung ngoại tệ đối ứng từ xuất khẩu; (2) vốn FDI giải ngân đang duy trì xu hướng tăng tích cực và đạt 6,8 tỷ USD (+2,3% yoy) và (3) dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD. "Như vậy, chúng tôi cho rằng tỷ giá sẽ không điều chỉnh thêm từ nay đến cuối năm", VCBS kết luận.
Theo Thời báo Ngân hàng