Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết trên cả 2 sàn chứng khoán (HoSE và HNX) đang ngày một gia tăng mạnh.
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), số lượng doanh nghiệp (DN) hủy niêm yết trên cả 2 sàn chứng khoán (HoSE và HNX) đang ngày một gia tăng mạnh. Nếu như năm 2010 chỉ có 6 trường hợp, thì năm 2012 tăng lên con số 23, năm 2013 là 37 và chỉ trong nửa đầu năm 2014 đã có 22 DN hủy niêm yết.
Một nguyên nhân chủ yếu khiến DN phải hủy niêm yết là không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn niêm yết, 3 năm liên tục không có lãi hay không có giao dịch trong vòng 12 tháng… Bên cạnh đó, áp lực về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cũng khiến nhiều DN lặng lẽ rời sàn, như trường hợp của CIC, TAS, GBS, MCL… Những DN này mặc dù đưa ra nhiều lý do về việc thường xuyên quên hay chậm công bố Báo cáo quản trị, Báo cáo thường niên, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên hay thay đổi trụ sở, vốn điều lệ… nhưng theo quy định, sau một số lần nhắc nhở, đưa vào diện cảnh báo, việc yêu cầu phải dừng giao dịch là cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư (NĐT) cũng như yêu cầu lành mạnh hóa thị trường. Ngoài ra, số lượng các DN hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc cũng gia tăng mạnh. Không chỉ vậy, các DN niêm yết yếu kém còn vấp phải sự sàng lọc, đào thải mạnh mẽ của chính thị trường và nhà đầu tư (NĐT).
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, theo đại diện UBCKNN, sau một thời gian xảy ra rất nhiều vụ việc NĐT mất trắng tiền do DN làm ăn thua lỗ, phá sản thị trường chứng khoán cũng như NĐT hiện nay ngày càng quan tâm tới chất lượng cổ phiếu niêm yết hơn là số lượng. Chính vì thế, không nên quá lo lắng về việc nhiều DN rời sàn, mà đây là cơ hội để sàng lọc các DN lần đầu lên sàn, thông qua áp dụng các chuẩn niêm yết đã được nâng cao. Cụ thể, DN muốn niêm yết trên sàn HoSE phải là công ty CP có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng (thay vì 80 tỷ đồng như trước đây) trở lên; DN muốn niêm yết trên sàn HNX phải có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng (thay vì 10 tỷ đồng như trước) trở lên… Ngoài ra, Nghị định 108/2013/NĐ - CP cũng bổ sung thêm những quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán: Sau một năm chào bán cổ phiếu ra công chúng, DN phải đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường tập trung bất kể là thị trường thứ cấp (UPCoM) hay là thị trường niêm yết (tới đây có thể sẽ được rút lại còn 3 tháng).
Thực tế, trong nửa đầu năm 2014 đã có 31 DN Nhà nước tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), và sắp tới là hàng loạt DN, trong đó có các DN lớn, triển vọng tăng trưởng cao như Vinatex, Vietnam Airlines, MobiFone... Nếu như các DN thực hiện đúng các quy định trên của UBCKNN thì cả 3 sàn chứng khoán (HoSE, HNX và UPCoM) sẽ không thiếu những cổ phiếu vừa mới, vừa chất lượng…
Theo KTĐT