Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam ở mức khiêm tốn khoảng 5,4% và không vượt quá 5,5% trước năm 2016.
Ngày 8/7, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014. Các chuyên gia WB dự báo, tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam ở mức khiêm tốn khoảng 5,4% và không vượt quá 5,5% trước năm 2016. Mức chênh khá thấp so với dự báo lần lượt là 5,5% và 5,6% của Báo cáo cập nhật kinh tế cuối năm 2013 cho thấy, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định.
Tái cơ cấu - "chìa khóa" của tăng trưởng
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, mức tăng trưởng dự báo 5,4% cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam: "Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do cầu trong nước còn yếu. Còn triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia"- đại diện WB chia sẻ.
Ảnh minh họa. |
Hiện, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thác thức về khả năng cạnh tranh. Những chậm trễ trong cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp (DN) Nhà nước có thể kéo dài giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng và tạo ra những động thái ngày càng bất lợi. Điều này có thể dẫn đến nghĩa vụ dự phòng lớn trong khu vực công, khiến cho nợ công tăng đến mức không còn bền vững.
“Cú sốc” kinh tế tạm thời
Theo các chuyên gia WB, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự tăng lên trong những năm gần đây. Điều này có lợi cho cả đôi bên. "Ưu điểm của thị trường Trung Quốc là giá nguyên liệu đầu vào rẻ mà các nước có thể nhập khẩu. Lựa chọn nhập khẩu ở thị trường này hay không là quyết định của các nhà kinh tế, chính trị. Cách thực tế nhất để giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc là đảm bảo để các chuỗi cung cứng dịch chuyển về Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chú trọng đầu tư và phát triển các chuỗi giá trị trong nước, tạo môi trường thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ cải cách để phát triển khu vực này"- Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Sandeep Mahajan nhận định.
Đồng quan điểm này, bà Victoria Kwawa cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua không tác động tiêu cực nhiều đến kinh tế Việt Nam. Theo bà Kwawa, đây chỉ là cú sốc trước mắt chứ không phải trong dài hạn về kinh tế. Một số lĩnh vực như du lịch… có bị ảnh hưởng nhưng hoạt động giao thương với Trung Quốc vẫn tiếp tục. Đại diện WB đánh giá cao các động thái tích cực hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Điều này giúp niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam không bị suy giảm. "Thời gian tới, Việt Nam vẫn phải tiếp tục theo dõi để có những ứng xử kịp thời, đảm bảo an toàn cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư"- bà Kwawa nói.
Theo KTĐT