Thị trường chứng khoán đang có chuỗi ngày hồi phục ấn tượng và đây cũng là lúc nhiều công ty tranh thủ cơ hội phát hành cổ phiếu để tìm vốn từ thị trường.
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang có chuỗi ngày hồi phục ấn tượng và đây cũng là lúc nhiều công ty tranh thủ cơ hội phát hành cổ phiếu để tìm vốn từ thị trường.
Theo thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), từ ngày 16 đến 25/7 có các mã ITQ, GHC, HHS và FLC phát hành. Theo đó, mã ITQ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Quang ở xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên ngày 16-7 phát hành với tỷ lệ 103:50, giá 10.000 đ/CP. Thời gian nhận cổ phiếu chưa được xác định. Mã GHC đang niêm yết trên sàn UpCom của CTCP Thủy điện Gia Lai ngày 21-7 sẽ phát hành với tỷ lệ 1:1 với giá 15.000 đ/CP. Giá đóng cửa ngày 15-7 là 31.500 đ/CP. Mã HHS của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy ngày 23-7 sẽ phát hành thêm với tỷ lệ 10:3 giá 10.000đ/CP. Giá đóng cửa ngày 15-7 của mã này là 23.3000đ/CP.
Ảnh minh họa. |
Nhưng đặc biệt hơn cả là mã FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, ngày 23-7 sẽ phát hành với tỷ lệ 1:1 giá 10.000đ/CP cho 154.360.000 CP đang lưu hành. Dự đoán lượng CP này sau khi phát hành sẽ hút của thị trường hơn 1.500 tỉ, xấp xỉ tổng giá trị giao dịch của thị trường trong 1 ngày. Giá đóng cửa của CP này trong phiên 15-7 là 13.700 đ/CP; Không rõ nhà đầu tư bị thực hiện quyền sẽ nhận được cổ phiếu trong thời gian nào.
Trước việc ồ ạt phát hành cổ phiếu này, đã có nhiều ý kiến lo ngại cho quyền lợi của các cổ đông. Vì nếu giả sử rằng công ty niêm yết phát hành thành công, tất cả nhà đầu tư bị thực hiện quyền đều đăng ký mua thêm CP và nộp tiền đầy đủ, thì trên lý thuyết công ty sẽ có thêm vốn để đầu tư vào công cụ thiết bị, bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh… Nhưng thực tế công ty có làm điều đó hay không hoặc dùng vốn thu được đầu tư vào đâu, hiệu quả sử dụng vốn đến đâu thì cũng không ai kiểm soát. Bên cạnh đó, nếu sau khi phát hành vài tháng giá CP này giảm giá thì thật là thảm họa cho nhà đâu tư bị thực hiện quyền.
Thời gian qua thị trường đã bị lạm dụng quá nhiều, có doanh nghiệp huy động hàng ngàn tỷ đồng của cổ đông rồi sau đó phá sản mà không chịu bất cứ trách nhiệm nào. Luật pháp chỉ ảnh với doanh nghiệp bởi Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, mà chưa có bất cứ điều luật nào bảo vệ cho cổ đông. Thiết nghĩ cần có giải pháp kiểm soát nguồn vốn mà doanh nghiệp đã huy động của thị trường.
Theo Lao động