06:07, 29/07/2014

Làm sao để ngư dân sử dụng vốn vay hiệu quả?

Bài toán đặt ra cho các ngân hàng trong thời gian tới là làm sao vừa triển khai tốt chính sách tín dụng hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động cho vay của ngân hàng.

Bài toán đặt ra cho các ngân hàng (NH) trong thời gian tới là làm sao vừa triển khai tốt chính sách tín dụng hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động cho vay của NH.

 

Mở đường cho ngư dân

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ ngày 25-8, trong đó có quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm. Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn thực hiện, thì hệ thống BIDV đã có sự chuẩn bị để sắp tới có thể rút ngắn thời gian triển khai thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân. Các chi nhánh trong hệ thống, đặc biệt ở các tỉnh duyên hải miền Trung đã chủ động tiếp cận doanh nghiệp, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản xa bờ để nắm bắt nhu cầu vay vốn. Kết quả, BIDV đã tiếp nhận nhu cầu đóng mới 85 chiếc tàu với tổng vốn đăng ký khoảng 1.000 tỷ đồng.


BIDV Chi nhánh Khánh Hòa đã làm việc với Hội Nghề cá Khánh Hòa và một số UBND xã, phường tập trung nhiều ngư dân để tiếp cận các khách hàng hoạt động ổn định, hiệu quả. Đến nay, Chi nhánh đã tiếp nhận nhu cầu vay vốn đầu tư 7 tàu sắt (gồm 5 tàu đánh bắt và 2 tàu hậu cần, khách hàng có nhu cầu tập trung vào doanh nghiệp). Chi nhánh đã cam kết đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay lưu động phục vụ cho việc đóng tàu sắt đánh bắt xa bờ của Công ty TNHH Đóng tàu Cam Ranh và Công ty TNHH Đóng tàu Nha Trang. Vừa qua, Chi nhánh đã ký hợp đồng cho vay 100 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho Công ty TNHH Đóng tàu Cam Ranh.

 

Tàu cá của ngư dân tại cảng Hòn Rớ, Nha Trang. (Ảnh: TL)
Tàu cá của ngư dân tại cảng Hòn Rớ, Nha Trang.


Bên cạnh đó, BIDV đã chủ động đưa ra gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với lãi suất 5%/năm để hỗ trợ ngư dân vay vốn lưu động phục vụ hoạt động khai thác thủy sản. BIDV đã có văn bản cho phép các chi nhánh trên địa bàn miền Trung chủ động, trực tiếp xem xét cho vay đối với gói tín dụng này.


Thực hiện chính sách tín dụng đối với thủy sản, nửa đầu năm 2014, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa cũng đã cho vay đóng mới 15 tàu cá với số tiền 20 tỷ đồng, cho vay hoán cải 92 tàu với 12 tỷ đồng...


Nỗi lo hiệu quả vốn vay


Sắp tới, Nghị định 67 có hiệu lực, các chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân được triển khai. Vì vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để đảm bảo hiệu quả cho vay của NH, tránh đi theo “vết xe đổ” của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ trước đây. Theo ông Nguyễn Đôn Minh - Giám đốc BIDV Chi nhánh Khánh Hòa, cần phải thẳng thắn nhìn lại những hạn chế về hiệu quả kinh tế của chương trình này để rút kinh nghiệm. Từ đó, có các giải pháp cụ thể để cho vay, đảm bảo hiệu quả cho cả ngư dân lẫn NH. Thực tế, chương trình đánh bắt xa bờ không đạt hiệu quả trên phương diện cho vay trong hoạt động tín dụng. Trong 2 năm (1997 - 1998), BIDV Chi nhánh Khánh Hòa cho vay đóng mới 26 tàu với số tiền giải ngân 21,7 tỷ đồng (thời điểm đó có giá trị rất lớn) nhưng chỉ thu hồi được 11,4 tỷ đồng (52%). Tuy nhiên, số tiền thu được từ doanh thu khai thác chỉ 1,6 tỷ đồng; để thu được phần còn lại phải nhọc nhằn xử lý nợ, bán tàu. Gần một nửa số nợ đến nay vẫn còn “treo”, chưa xử lý được. Điều đáng nói là người vay cho rằng không có khả năng trả nợ, nhưng khi bán tàu thì họ đều mua lại.


Ông Minh cho rằng, nguyên nhân trước hết do cơ chế, NH không có quyền quyết định lựa chọn người vay mà phụ thuộc vào các ban, ngành. Trong khi đó, vốn của ngư dân hạn chế nên họ không có trách nhiệm với tài sản. Năng lực tổ chức sản xuất, kinh nghiệm đánh bắt xa bờ của các chủ đầu tư kém; thiếu các dịch vụ hậu cần trên biển nên các tàu không đánh bắt dài ngày, thường xuyên đi về làm tăng chi phí. Một số chủ tàu còn hạn chế hiểu biết về hàng hải quốc tế nên khi ra biển đã bị cơ quan chức năng nước ngoài tịch thu tàu. Bên cạnh đó, một số ngư dân có tâm lý ỷ lại, cho rằng đây là tiền hỗ trợ của Nhà nước nên không chịu trả nợ; có hiện tượng người không muốn trả nợ gây sức ép với người có thiện chí trả nợ để tạo ra tình trạng chung là không trả nợ...


Nhớ lại thời gian cùng cán bộ NH đi các tỉnh thu hồi nợ chương trình cho vay đánh bắt xa bờ, ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa cho biết rất vất vả mà vẫn phải chịu mất vốn. Vì vậy, các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 67 nếu không thận trọng, sẽ không thu hồi được vốn khi tài sản đưa ra thế chấp chính là con tàu hình thành. Theo ông Lăng, cho vay cá thể sẽ khó đòi nợ. Vì thế, không nên cho vay theo kiểu hộ gia đình, chủ tàu đơn lẻ, mà phải tổ chức thành ngư đội sản xuất liên kết chặt chẽ, được phường, xã chứng nhận để có sự ràng buộc trách nhiệm trả nợ của các thành viên trong tổ, đội; tổ chức sản xuất kiểu tàu mẹ, tàu con và dứt khoát phải có tàu hậu cần. Để hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả, ngư dân có tiền trả nợ, bên cạnh việc đóng tàu lớn, thiết bị hiện đại, cần quan tâm đến công nghệ bảo quản sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu. “Hiện đại hóa nghề cá trong điều kiện manh mún hiện nay phải nói về tổ chức sản xuất. Yếu kém nhất vẫn là công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Bao năm qua, ngư dân vẫn bảo quản cá bằng đá lạnh nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Công nghệ bảo quản lạc hậu sẽ gây tổn thất sau thu hoạch cao, lãng phí lớn tài nguyên. Đây là vấn đề cốt lõi nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức” - ông Lăng nói.  


Để triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân trong thời gian tới, NH sẽ quyết định các tiêu chí tín dụng, lựa chọn người vay, bởi đây là vốn thương mại của NH chứ không phải vốn Nhà nước như trước.  Người vay chỉ được hỗ trợ lãi suất, còn việc thu hồi được nợ hay không, rủi ro phát sinh sẽ do NH gánh chịu. Chia sẻ áp lực của các NH, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, quá trình triển khai sẽ khó khi NH sợ mất vốn, vì đã có bài học từ cho vay đánh bắt xa bờ. Nếu đẩy hết rủi ro về phía người cho vay (các NH) thì cũng không ổn. Thông tư hướng dẫn cần tính toán kỹ. Về phía địa phương, cần có sự phối hợp tốt hơn với NH trong quá trình triển khai chính sách.


N.D