11:05, 23/05/2014

Triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân bám biển

Sáng 23-5, trong buổi làm việc với các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại nhà nước tích cực triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân bám biển.

Sáng 23-5, trong buổi làm việc với các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa đã yêu cầu các chi nhánh NHTM, nhất là NHTM nhà nước tích cực triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân bám biển. Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết:


- Nóng nhất hiện nay là cho vay đóng mới tàu cá. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan đề xuất các chính sách tín dụng để ngư dân hiện đại hóa tàu cá, đóng mới tàu vỏ thép, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, vay tín dụng thương mại để phục vụ sản xuất đối với ngư dân nuôi trồng thủy sản với lãi suất khoảng 5%/năm, thời hạn cho vay 10 năm (riêng đối với đóng tàu mới, không tính lãi trong thời gian đóng tàu). Thủ tục cho vay đảm bảo thuận tiện, phù hợp, tài sản thế chấp chính là con tàu được hình thành. Trên địa bàn tỉnh, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã làm việc với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thống nhất các nội dung để triển khai chính sách tới ngư dân.

 
Lãnh đạo các chi nhánh NHTM cho biết sẽ tích cực triển khai chủ trương này, nhưng để thực hiện được phải chờ hướng dẫn cụ thể từ Hội sở chính. Chi nhánh NHNN cũng đã triển khai Thông tư 13 của NHNN hướng dẫn cho vay theo Quyết định số 68/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Trong đó, có nội dung hỗ trợ lãi suất cho vay mua các thiết bị phục vụ đánh bắt xa bờ.

 


- Thưa ông, tàu cá Việt Nam trong đó có tàu cá của ngư dân Khánh Hòa đánh bắt ngoài khơi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu Trung Quốc xua đuổi, lấy mất ngư cụ. Chưa xoay xở được vốn để sắm lại ngư cụ ra khơi, ngư dân có thể trông chờ vào nguồn vốn tín dụng từ phía ngân hàng?


- Những trường hợp như vậy cần xác nhận để được các NHTM ưu tiên cho vay. Với giá trị mỗi con tàu đánh bắt xa bờ thường 1 - 2 tỷ đồng, thế chấp để vay vài trăm triệu đồng mua sắm ngư cụ sẽ không quá khó khăn. Các trường hợp này sẽ được vay vốn ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực ưu tiên (lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn). Nếu gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục, người dân có thể phản ánh với NHNN Chi nhánh Khánh Hòa để được hỗ trợ.


- Ông có thể cho biết tình hình triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân phát triển ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua?


- Những năm qua, các NHTM nhà nước như Agribank, BIDV, Vietinbank đã có chính sách khuyến khích cũng như ưu tiên nguồn vốn cho ngư dân vay. Tuy nhiên, nguồn vốn vay chủ yếu ở khâu sau đánh bắt, tập trung vào thu mua chế biến xuất khẩu. Nguồn vốn cho vay đóng tàu còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa trang thiết bị của ngư dân. Đến cuối tháng 3-2014, dư nợ cho vay ngư nghiệp đạt 2.449 tỷ đồng. Trong đó, cho vay thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản dư nợ 2.258 tỷ đồng; cho vay mua xăng dầu, ngư cụ, máy móc, thiết bị hỗ trợ phục vụ đánh bắt hải sản dư nợ gần 132 tỷ đồng; dư nợ cho vay đóng tàu đánh bắt hải sản gần 14 tỷ đồng, dư nợ cho vay các cơ sở phục vụ hậu cần nghề cá 1 tỷ đồng… Vừa qua, khi cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri ở Ninh Hòa, Vạn Ninh, chúng tôi thấy ngư dân vay đóng tàu ít, thường đóng tàu nhỏ khoảng 200 - 300CV. Trong khi phía ngân hàng muốn ngư dân vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi xa.


- Khi triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân, các NHTM gặp khó khăn gì? NHNN Chi nhánh Khánh Hòa có đề xuất gì, thưa ông?


- Lãnh đạo các chi nhánh NHTM lo ngại nhất là khả năng thu hồi vốn vay. Đánh bắt xa bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro; ngư dân thiếu các tài sản đảm bảo để tạo lòng tin với ngân hàng. Với tài sản thế chấp là con tàu, ngân hàng khó quản lý; khi xử lý tài sản đảm bảo rất khó khăn. Ngân hàng cũng khó quản lý nguồn tiền trả nợ vì ngư dân đánh bắt xa khơi, tiêu thụ nơi khác ngân hàng không quản lý được. Chính vì thế, chính quyền địa phương ngoài quy hoạch vùng hoạt động thủy sản, cần đẩy mạnh hình thành các tổ, đội trong khai thác thủy sản trên biển, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như chỉ đạo của Thủ tướng. Việc hình thành tổ, đội trong khai thác thủy sản trên biển ngoài ý nghĩa tăng sức mạnh liên kết khai thác, còn tăng trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng.


Triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân hiện nay không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng mà cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ chủ trì cùng các ngành chức năng có buổi làm việc cụ thể về nội dung này. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khảo sát nhu cầu tín dụng của ngư dân sát với thực tế.


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)