Làm sao để ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay mà ngân hàng vẫn bảo toàn được vốn là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp về tình hình triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vừa qua.
Làm sao để ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay mà ngân hàng (NH) vẫn bảo toàn được vốn là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp về tình hình triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vừa qua.
Cần hơn 1.342 tỷ đồng đóng mới, hoán cải tàu
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 3-2014, dư nợ cho vay ngư nghiệp đạt 2.449 tỷ đồng, chiếm 9,36% trong tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Các NH thương mại luôn có chính sách khuyến khích cũng như ưu tiên nguồn vốn cho ngư dân vay. Tuy nhiên, dư nợ cho vay chủ yếu tập trung cho vay các doanh nghiệp, hộ thu mua chế biến xuất khẩu (chiếm hơn 92% dư nợ cho vay). Mặc dù cho vay đóng tàu; bổ sung vốn lưu động mua xăng dầu, ngư lưới cụ, máy móc, thiết bị hỗ trợ phục vụ đánh bắt, bảo quản hải sản khai thác tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa trang thiết bị của ngư dân.
Cần mở rộng thêm hạn mức và ưu đãi lãi suất cho vay ngư nghiệp. |
Ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho rằng, so với số lượng và giá trị tàu đóng mới thì với hơn chục tỷ đồng cho vay đóng tàu, rõ ràng ngư dân vẫn phải tự thân vận động là chính. Các NH cần mở rộng định mức vay, giãn thời hạn trả nợ, lãi suất hợp lý; cần có chính sách tín dụng thông thoáng hơn cho ngư dân. Ông Đẩu đề xuất thí điểm một mô hình tàu mẹ và tàu con với vốn đầu tư dự kiến 151 tỷ đồng (1 tàu mẹ 1.200 - 1.500CV; 15 tàu con, mỗi tàu 800CV); nâng cấp hầm bảo quản cho 500 tàu cá khai thác vùng biển khơi với vốn đầu tư dự kiến 125 tỷ đồng; nâng cấp, hoán cải cho khoảng 500 tàu cá khai thác biển khơi có công suất 300CV trở lên với khoảng 250 tỷ đồng. Ngoài ra, ông đề xuất đóng mới 80 tàu (vỏ thép hoặc composite) làm nghề câu cá ngừ đại dương, nghề vây rút với vốn đầu tư dự kiến 720 tỷ đồng; đóng mới 6 tàu dịch vụ hậu cần (vỏ thép hoặc composite) với vốn đầu tư dự kiến 96 tỷ đồng. Tổng số tiền đề xuất thực hiện các dự án hơn 1.342 tỷ đồng. Mức vay được đề xuất 80%, ngư dân đối ứng 20%; thời hạn vay 10 năm hoặc 5 năm, ân hạn 5 năm hoặc 3 năm đối với từng dự án; lãi suất cho vay ưu đãi 2,5%/năm, ngân sách Nhà nước bù chênh lệch lãi suất; tài sản thế chấp chính là con tàu hình thành.
Đại diện các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản và chủ tàu đánh bắt xa bờ phản ánh, vốn đầu tư đóng mới tàu công suất lớn rất lớn, từ vài tỷ đồng đến hơn chục tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp khó vay vốn đóng tàu vì NH thường yêu cầu thế chấp nhà đất. Các chủ tàu mong muốn được vay ưu đãi đến 80% giá trị, thời hạn vay 10 năm, ân hạn 5 năm…
Ngân hàng sợ rủi ro
Hầu hết các NH đều có tâm lý e ngại cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ, bởi xử lý tài sản thế chấp khó khăn, khó thu hồi vốn, nhiều rủi ro. Theo ông Lê Văn Chới - Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Khánh Hòa, với con tàu đã khai thác 5 năm, khi giao lại cho NH giá trị còn lại không nhiều; NH còn mất thêm chi phí bảo quản tài sản, thuê người bơm nước hàng ngày để tàu không bị chìm. Ông Nguyễn Đình Cường - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa phản ánh, rất ít công ty bảo hiểm nhận bảo hiểm thân tàu; nếu gặp sự cố thì rủi ro đối với bên cho vay rất lớn…
Ảnh minh họa. |
Về phía NH, một số khó khăn được nêu ra là: Ngư dân có nhu cầu vay để phát triển nghề, hoán cải tàu thuyền, nâng công suất tàu để hoạt động trên ngư trường khơi xa, nhưng vốn tự có thấp hoặc không có, tài sản thế chấp của ngư dân (sở hữu nhà đất) giá trị thấp, không đủ điều kiện để vay vốn. Nơi cư trú của ngư dân đa số là trên địa bàn phường, thị trấn nên không được hưởng ưu đãi theo Nghị định số 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong trường hợp phải phát mãi tài sản thế chấp là phương tiện tàu bè, NH gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp do tính chất đặc biệt của tài sản, khó quản lý và dễ xuống cấp… Khi xử lý được thì giá trị tài sản còn rất thấp, không đủ thu hồi nợ, dẫn đến khả năng NH mất vốn. Mặt khác, giá nhiên liệu, chi phí đi biển thường xuyên biến động theo chiều hướng tăng, giá bán hải sản không ổn định sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ NH của ngư dân.
Cần các chính sách hỗ trợ
Trước những khó khăn nêu ra, ông Nguyễn Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Tài chính đề nghị, cần có chính sách trung gian hỗ trợ đảm bảo lợi ích của NH và ngư dân. Nhà nước có chính sách cho vay ưu đãi lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất.
Dư nợ cho vay ngư nghiệp chủ yếu là: cho vay thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản với 2.258 tỷ đồng; cho vay mua xăng dầu, ngư cụ, máy móc, thiết bị hỗ trợ phục vụ đánh bắt hải sản dư nợ gần 132 tỷ đồng; dư nợ cho vay đóng tàu đánh bắt hải sản gần 14 tỷ đồng, dư nợ cho vay các cơ sở phục vụ hậu cần nghề cá 1 tỷ đồng; cho vay tiêu dùng ngư dân 11,6 tỷ đồng và cho vay nhu cầu khác 32,2 tỷ đồng. Dư nợ tập trung ở khối các ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần Nhà nước với hơn 2.356 tỷ đồng. Nợ xấu chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngư nghiệp, thấp hơn tỷ trọng nợ xấu toàn tỉnh là 2,4%. |
Theo ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nếu Nhà nước không đứng ra giải quyết mối quan hệ giữa bên đi vay và bên cho vay thì ngư dân và NH sẽ khó gặp nhau. Để giúp ngư dân bám biển, bám ngư trường dài ngày, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh khai thác xa bờ, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo…, các sở, ban, ngành cần đánh giá tổng thể tình hình phát triển ngư nghiệp; kết quả thực hiện chính sách tín dụng và các chính sách khác liên quan đến ngư nghiệp - ngư dân. NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cần đề xuất giải pháp phát triển cho vay ngư nghiệp, đảm bảo chính sách vừa hỗ trợ ngư dân, vừa bảo toàn được nguồn vốn NH. Đối với gói tín dụng (10.000 tỷ đồng) hỗ trợ ngư dân hoán cải tàu cũ, đóng tàu mới công suất lớn, Chi nhánh cần kiến nghị cụ thể với NHNN Việt Nam về tiêu chí cho vay, lãi suất cho vay, mức cho vay…
Thực hiện chỉ đạo của ông Trần Sơn Hải, ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ có gói tín dụng ưu đãi để thực hiện các dự án phát triển ngành ngư nghiệp như: Đóng tàu vỏ thép; nâng cấp, hoán cải tàu gỗ có công suất lớn để hoạt động trên ngư trường khơi xa; phát triển đội tàu hậu cần nghề cá trên biển để giúp ngư dân tăng thời gian bám biển, nâng cao hiệu quả khai thác. Bên cạnh đó, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản; đầu tư, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua, chế biến thủy sản trên đất liền, khu neo đậu tàu thuyền, triển khai nhanh và có hiệu quả các trung tâm nghề cá lớn trong cả nước... Về đối tượng cho vay theo Nghị định số 41, sẽ kiến nghị bỏ quy định “đối tượng vay vốn phải cư trú và có cơ sở, dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn”, mà mở rộng đối tượng theo lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, không phân biệt địa giới hành chính.
KHÁNH NINH