Điểm mới trong Thông tư 41/2014/TT-BTC là quy định rõ trách nhiệm nếu bị thất thoát vốn...
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 41/2014/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng vốn để phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, phát triển vốn. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 25-5-2014 và áp dụng từ năm tài chính 2014.
Điểm mới trong Thông tư 41/2014/TT-BTC là quy định rõ trách nhiệm nếu bị thất thoát vốn. Quy định về quản lý vốn và tài sản, Thông tư nêu rõ: Vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm vốn điều lệ do NSNN cấp, nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi, các nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc sử dụng vốn cũng được quy định rõ. Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng vốn để phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, phát triển vốn.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vốn và tài sản hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán, thống kê hiện hành, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình biến động vốn và tài sản trong quá trình hoạt động, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân đối với các trường hợp làm thất thoát vốn, hư hỏng, mất mát tài sản.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ hoạt động của mình theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 30% giá trị vốn điều lệ và quỹ đầu tư phát triển hạch toán trên sổ sách kế toán. Theo quy định tại Thông tư, chênh lệch thu chi tài chính thực hiện trong năm là kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, được xác định giữa tổng thu nhập trừ đi tổng chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong năm. Chênh lệch thu chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được phân phối như sau: Bù đắp chênh lệch thu nhỏ hơn chi các năm trước. Số còn lại coi như 100% được xử lý như sau: Trích 30% vào quỹ đầu tư phát triển cho đến khi quỹ đầu tư phát triển bằng mức vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
Trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi. Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại A thì mức trích tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi; Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không thực hiện xếp loại thì không được trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi. Trong trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại C hoặc không thực hiện xếp loại thì không được trích lập quỹ thưởng Viên chức quản lý.
Định kỳ (quý, năm) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm lập và gửi các Báo cáo nghiệp vụ, Báo cáo thống kê, Báo cáo tài chính và các Báo cáo định kỳ, đột xuất khác theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê. Năm tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào ngày 31/12 dương lịch.
Theo VOV