09:03, 25/03/2014

Ngân hàng nhỏ khó kỳ vọng lợi nhuận cao

Kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ đưa ra cho năm nay ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, khả năng hoàn thành là chưa chắc chắn, nhất là đối với những nhà băng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao, trích lập dự phòng nhiều.

Kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ đưa ra cho năm nay ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, khả năng hoàn thành là chưa chắc chắn, nhất là đối với những nhà băng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao, trích lập dự phòng nhiều.


Năm 2014, lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, sẽ duy trì nhịp tăng trưởng với các chỉ số tài chính cơ bản như: tổng tài sản đạt 33.600 tỷ đồng, tổng huy động 29.700 tỷ đồng, tổng dư nợ tăng 20% so với năm 2013 (đạt 24.600 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng. So với chỉ tiêu và con số lợi nhuận trước thuế đạt được năm qua là 320 tỷ đồng, chỉ tiêu kinh doanh OCB đưa ra cho năm nay không cao hơn nhiều. Hiện OCB là một trong những ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay tương đối thấp, trong đó cho vay doanh nghiệp 8-10% một năm và cá nhân 11-12%. Tuy nhiên, lãnh đạo OCB chia sẻ, đẩy mạnh cho vay trong lúc này rất khó, ngân hàng lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng.


Thực tế, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong năm qua. Vì thế, tuy lợi nhuận thu về đạt mức tương đối, nhưng sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận còn lại của nhiều ngân hàng chỉ bằng 20-30% kế hoạch.

 


Ngân hàng NamA Bank cho hay, kế hoạch lợi nhuận năm 2013 không thể hoàn thành. Một phần, do nhà băng phải chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn khi lãi suất cho vay giảm dần, nhưng chi phí đầu vào không thể giảm nhanh. Mặt khác, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng luôn là đòi hỏi trước hết để đảm bảo rủi ro hoạt động. NamA Bank chuẩn bị trình Đại hội cổ đông các chỉ tiêu kinh doanh năm 2014, diễn ra ngày 27/3 tới. Trong đó, mục tiêu lợi nhuận sẽ được ngân hàng cân nhắc kỹ lưỡng.


Năm qua, hầu hết ngân hàng cổ phần không đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, ngoại trừ Sacombank và một số ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước như VCB, VietinBank, BIDV. Bởi lẽ, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay dần thu hẹp để kích cầu tín dụng. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm thêm 1 - 2% một năm lãi suất cho vay kể từ quý II để kích cầu tăng trưởng dư nợ tín dụng tốt hơn.


Hiện tại, một số ngân hàng không trả cổ tức cho cổ đông, mà tập trung nguồn lực để tái cấu trúc. Chẳng hạn, SCB đã trích lập đến 3.000 tỷ đồng trong 2 năm tái cấu trúc 2012 - 2013, nên khó kỳ vọng nhà băng này còn nguồn tiền để chia cổ tức cho cổ đông. Năm 2014, SCB đề ra mục tiêu 121 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với chỉ tiêu lợi nhuận này, có ý kiến cho rằng, chưa tương xứng với vốn điều lệ của SCB hay một số ngân hàng khác đã xây dựng kế hoạch lợi nhuận cho năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, ngân hàng sẽ khó kỳ vọng đạt được lợi nhuận cao. Trong khi đó, năm 2014 là năm cuối SCB dành mọi nguồn lực để hoàn thành đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt (2012 - 2014).


Theo Vnexpress