11:03, 24/03/2014

Lãi suất giảm, tín dụng vẫn ổn định

Đánh giá tác động của việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa  hạ trần một loạt lãi suất chủ chốt, ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết:

Đánh giá tác động của việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa  hạ trần một loạt lãi suất chủ chốt, ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết:


Cần một khoảng thời gian nữa mới có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn, nhưng tôi tin rằng không có sự đột biến nào xảy ra trong việc hạ lãi suất kỳ này. Việc điều chỉnh lãi suất sẽ không gây sốc cho bất cứ yếu tố nào của nền kinh tế. Tín dụng sẽ vẫn giữ ổn định và tăng trưởng.


- Dựa vào những yếu tố nào mà vừa qua, NHNN quyết định tiếp tục hạ trần lãi suất, thưa ông?

 


- Năm 2014, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đó là thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. 2 tháng đầu năm nay, chỉ số lạm phát ở mức thấp. Điều này đi ngược quy luật là những tháng đầu năm chỉ số lạm phát thường cao do thời điểm Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong những tháng đầu năm 2014 dồi dào, nên các ngân hàng tập trung vốn nhiều vào trái phiếu của Chính phủ. Trong khi đó, tín dụng những tháng đầu năm thường không tăng trưởng; thực tế 2 tháng qua, tín dụng đã giảm hơn 1%. Như vậy, trên cơ sở chỉ số kiểm soát lạm phát, thanh khoản của ngân hàng dồi dào, cầu về vốn thấp, NHNN điều hành hạ trần lãi suất là hợp lý và cần thiết. Thực tế, thời gian qua, các NHTM đã tự hạ lãi suất so với trước đây.


- Theo ông, việc hạ lãi suất sẽ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp (DN)?


- Theo yêu cầu của Thống đốc NHNN, các NHTM đã phải tiết kiệm chi phí, hạ lãi suất để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay lãi suất thấp. Thực tế với những khách hàng uy tín, làm ăn có hiệu quả, các NHTM đã đưa ra các gói lãi suất thấp, từ 5 đến 6%/năm. Hiện nay, lãi suất của ngân hàng không còn là vấn đề lớn đối với DN. Lãi suất không còn làm khó DN. Vấn đề của các DN là trong khi tổng cầu nền kinh tế đang thấp, cần những yếu tố kích thích người tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho... Điều này, cần giải pháp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng và từ bản thân DN.


- Vừa qua, thực hiện trần lãi suất huy động của NHNN, các NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Điều này sẽ tác động như thế nào đến tâm lý người dân khi lượng tiền gửi dân cư vốn chiếm phần lớn tổng nguồn vốn huy động, thưa ông?


- Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, thực tế các ngân hàng đã hạ lãi suất nhưng người dân vẫn gửi tiền, vốn huy động trên địa bàn đã tăng hơn 4%. Cụ thể, đến cuối tháng 2-2014, tổng vốn huy động đạt 37.032 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ đồng so với đầu năm, tăng 4,22%. Trong đó, tiền gửi từ tiết kiệm dân cư 28.047 tỷ đồng, tăng 1.408 tỷ đồng, tăng 5,29% so với đầu năm. Như đã nói, việc điều chỉnh lãi suất có cơ sở và được tính toán khoa học sẽ không gây sốc cho bất cứ phía nào, người gửi, người vay hoặc ngân hàng. Trong điều kiện hiện nay, các kênh đầu tư khác như: bất động sản, vàng, chứng khoán không sinh lời hoặc không an toàn nên người dân vẫn coi gửi tiền ngân hàng là chắc chắn nhất. Vì thế, sẽ không có biến động lớn về lượng tiền gửi.


- Theo ông, có khả năng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới không?


- Tôi cho rằng, vẫn còn dư địa hạ lãi suất. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 6,5%, trong trường hợp các yếu tố khác cho phép, tín hiệu nền kinh tế tích cực, hạ lãi suất để các DN được hưởng lãi suất thấp là cần thiết, vì lãi suất đồng Việt Nam hiện vẫn còn cao so với mặt bằng lãi suất chung trong khu vực.


- Xin ông cho biết đôi nét tình hình tín dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Những lĩnh vực nào đang hấp thụ vốn tốt?


- Trong tháng 2, tín dụng giảm hơn 1%. Điều này phù hợp với quy luật do sau Tết, DN có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, đầu tháng 3, tín dụng tăng trưởng trở lại. Nửa đầu tháng 3, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đã nhích lên hơn 150 tỷ đồng, vốn chủ yếu chảy vào các lĩnh vực ưu tiên. Lĩnh vực hấp thụ vốn tốt nhất hiện nay là cho vay nông nghiệp - nông thôn, sau đó là cho vay xuất khẩu và dịch vụ - du lịch.


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)