Bộ trưởng Tài chính lưu ý thị trường chứng khoán cần có những giải pháp quyết liệt, phát triển bền vững trong năm 2014.
Ngày 7-2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức lễ khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Giáp Ngọ.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu Xuân. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, qua 13 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Riêng năm 2013, mặc dù bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự khởi sắc.
Chỉ số thị trường tăng 23%, thuộc nhóm 10 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Thị trường trái phiếu tăng trưởng tốt nhất châu Á. Quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt khoảng 243.000 tỷ đồng, đóng góp trên 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Mức vốn hóa tăng 200.000 tỷ đồng chiếm 32 % GPD. Quy mô dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng cao, gần 4 tỷ USD.
Ảnh minh họa. |
Năm 2014, mặc dù vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế, cùng với các giải pháp quan trọng của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang triển khai, có thể hy vọng thị trường chứng khoán sẽ phát triển tích cực hơn.
Nhận định về thị trường chứng khoán năm 2014, nhiều nhà đầu tư đặt lòng tin vào sự phục hồi của kinh tế vĩ mô cũng như của các doanh nghiệp niêm yết trong năm Giáp Ngọ. Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, năm 2014, nếu tiếp tục kiểm soát được nợ xấu, không để đổ vỡ thị trường bất động sản sẽ là năm phát triển tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Năm 2014 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch phát triển phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2011 – 2015. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lưu ý, với vị trí và vai trò quan trọng trong tái cấu trúc nền kinh tế, thị trường chứng khoán cần có những giải pháp đột phá để phát triển trong thời gian tới. Theo đó, cần triển khai quyết liệt đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán; đề án thành lập sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; rà soát các văn bản pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển thị trường chứng khoán, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế; Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm đảm bảo hoạt động thị trường lành mạnh.
Theo VOV