09:02, 21/02/2014

Kích cầu để khơi thông dòng vốn cho thị trường chứng khoán

Năm 2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát, điều chỉnh, từng bước tháo gỡ, thiết lập cơ chế quản lý, giám sát kênh dẫn vốn đầu tư từ ngân hàng sang thị trường chứng khoán...

Năm 2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát, điều chỉnh, từng bước tháo gỡ, thiết lập cơ chế quản lý, giám sát kênh dẫn vốn đầu tư từ ngân hàng sang thị trường chứng khoán (TTCK) bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, hạn chế sở hữu chéo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TTCK, hỗ trợ quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được thực hiện minh bạch, lành mạnh, an toàn.


Sáng 21-2, UBCKNN tổ chức Hội nghị Phát triển TTCK năm 2014. Đánh giá TTCK 2013, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết đã có những diễn biến khả quan nhờ vào những tín hiệu ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp vĩ mô dần phát huy tác dụng. “Cho đến cuối năm, chỉ số VN-Index đã tăng 23%, HNX-Index tăng 19% so với năm 2012. TTCK Việt Nam được đánh giá là có mức tăng cao so với các thị trường thế giới. Mức vốn hóa thị trường vào khoảng 964 nghìn tỷ đồng, tăng 199 nghìn tỷ đồng so với 2012. Tương đương 31% GDP”, ông Bằng nói.


UBCKNN cũng cho biết, đến cuối năm 2013, tính chung trên hai sàn có 680 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 361 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2012. Tổng giá trị huy động vốn ước đạt 243 nghìn tỷ đồng, tăng gần 30%, chiếm 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong đó phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa là 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012. Quy mô huy động vốn qua phát hành riêng lẻ đạt khoảng trên 24 nghìn tỷ đồng. Vốn huy động qua trái phiếu chính phủ đạt 195 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2012.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Tuy nhiên, đại diện UBCKNN cũng cho biết, năm 2014, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ chịu tác động, ảnh hưởng trước dự báo kinh tế toàn cầu nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là việc rút bớt chính sách nới lỏng định lượng tại các nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn, sức cầu trong nước còn yếu, khả năng cạnh tranh, hiệu quả nền kinh tế còn thấp. Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào DN nước ngoài.


Chính vì vậy, theo ông Vũ Bằng, mục tiêu 2014, UBCKNN sẽ tiếp tục bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển và tái cấu trúc TTCK, xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và TTCK; tăng cường hội nhập quốc tế và đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế đã tham gia.


Để thực hiện thành công mục tiêu này, UBCKNN sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; kích cầu khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước; thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán; hiện đại hóa tổ chức TTCK; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Đặc biệt trong khơi thông dòng vốn nước ngoài, UBCKNN sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình, giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại MSCI (từ hạng Frontier Market đến Emerging Market). Đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Nghiên cứu đề xuất nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các DN niêm yết có tỷ lệ sở hữu lớn do Nhà nước nắm giữ.


Đối với dòng vốn trong nước, UBCKNN cũng sẽ phối hợp với NHNN rà soát, điều chỉnh, từng bước tháo gỡ, thiết lập cơ chế quản lý, giám sát kênh dẫn vốn đầu tư từ ngân hàng sang TTCK bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, hạn chế sở hữu chéo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TTCK, hỗ trợ quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được thực hiện minh bạch, lành mạnh, an toàn.


Theo Thời báo Ngân hàng