07:02, 16/02/2014

Đề xuất quy định mới về doanh nghiệp nhà nước

Một trong số các mục tiêu hàng đầu của Luật Doanh nghiệp 2005 là tạo lập khung khổ pháp lý áp dụng thống nhất khung quản trị theo loại hình doanh nghiệp không phân biệt nguồn gốc sở hữu và đồng thời đổi mới cơ chế quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong số các mục tiêu hàng đầu của Luật Doanh nghiệp 2005 là tạo lập khung khổ pháp lý áp dụng thống nhất khung quản trị theo loại hình doanh nghiệp không phân biệt nguồn gốc sở hữu và đồng thời đổi mới cơ chế quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế. Tuy vậy, việc triển khai áp dụng các nguyên tắc mới về quản trị doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ.


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế nói trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là những vấn đề đặc thù trong quản trị doanh nghiệp nhà nước chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp.


Cụ thể là: Luật Doanh nghiệp chưa quy định về mục đích hoạt động và giới hạn phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với vai trò, chức năng của nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Chưa quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Chính phủ nói chung trong vai trò đại diện chủ sở hữu theo ủy quyền của Quốc hội.


Luật Doanh nghiệp cũng chưa quy định cụ thể thẩm quyền, cách thức xác định mục tiêu, chỉ tiêu đối với từng doanh nghiệp cụ thể; chưa xác định cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu và cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước... Bên cạnh đó, chưa quy định đặc thù trong tổ chức, hoạt động và quy trình ra quyết định đối với hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước và mối quan hệ giữa cơ quan chủ sở hữu nhà nước và người trực tiếp đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp…


Luật cũng chưa quy định yêu cầu tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính và các chức năng khác của nhà nước trong thực hiện quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Chưa có quy định về giám sát, đánh giá trong hệ thống đại diện chủ sở hữu; nhất là chưa quy định về giám sát, đánh giá trực tiếp, chủ động và thường xuyên của cơ quan chủ sở hữu đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp. Khiếm khuyết nói trên đã góp phần làm cho giám sát, đánh giá nội bộ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp trở nên lỏng lẻo và kém hiệu lực...


Bổ sung quy định


Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bổ sung thêm Chương VII về doanh nghiệp nhà nước. Chương này bao gồm 31 điều khoản, được chia thành 3 mục. Mục I bao gồm 8 Điều, từ Điều 168 đến 175, quy định về nội dung cơ bản sau: Xác định rõ vai trò và sứ mệnh của khu vực doanh nghiệp nhà nước và từng doanh nghiệp nhà nước (Điều 170 dự thảo Luật). Xác định nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong doanh nghiệp (Điều 171 dự thảo Luật). Mục này có quy định cụ thể về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp theo các nguyên tắc: (i) tách biệt việc thực hiện các quyền chủ sở hữu với các chức năng khác của Chính phủ, (ii) thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu một cách độc lập và chuyên trách, tập trung và thống nhất. Mỗi doanh nghiệp có một cơ quan đại diện chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội trong việc thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp đó. Và (iii) không can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh; đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (từ Điều 172 đến 175 dự thảo Luật).


Mục II bao gồm 19 Điều, từ Điều 176 đến 194. Mục này quy định về nguyên tắc quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên. Mục này bao gồm quy định “đặc thù”, cần có quy định chi tiết hơn (so với quy định của Luật Doanh nghiệp) về nguyên tắc quản trị trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chủ sở hữu là nhà nước. Ví dụ như tiêu chuẩn về điều kiện người quản lý.


Mục III bao gồm 6 Điều, từ Điều 195 đến 200. Mục này quy định về yêu cầu công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước; theo đó doanh nghiệp nhà nước sẽ phải công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường.


Theo HNM