11:01, 13/01/2014

Kiều hối sẽ vẫn là "mỏ vàng"

Theo dự báo của các nhà nghiên cứu kinh tế, nguồn kiều hối sẽ tiếp tục được "hút" về nước trong những năm tới.

Số liệu thống kê cho thấy, trong khoảng 3 năm gần đây lượng kiều hối liên tục tăng. Nếu như năm 2011, lượng kiều hối về Việt Nam là 9 tỷ USD thì con số này của năm 2012 là 10 tỷ USD và tăng thêm 1 tỷ USD trong năm 2013, đạt 11 tỷ USD.


Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, nhưng lượng kiều hối vẫn đạt được mức khả quan, năm sau cao hơn năm trước.


Theo nghiên cứu này thì những năm gần đây, có hai nhóm phát sinh nhu cầu chuyển kiều hồi nổi trội. Đầu tiên là người lao động ở nước ngoài hay Việt kiều chuyển tiền về nước nhằm giúp đỡ gia đình, hỗ trợ giáo dục, thăm biếu dịp lễ tết, chi phí cho gia đình... Ngoài ra, một nhu cầu mới xuất hiện trong thời gian vừa qua là họ gửi tiền về để trả các khoản nợ vay trước đây, xây nhà, mua bất động sản.

 


Theo dự báo của các nhà nghiên cứu kinh tế, nguồn kiều hối sẽ tiếp tục được “hút” về nước trong những năm tới và trở thành “mỏ vàng” cần tiếp tục khai thác bởi nhiều yếu tố hấp dẫn. Thứ nhất, từ năm 2011 trở lại đây, các giải pháp điều hành của Chính phủ luôn kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được kết quả lạc quan, lạm phát được kiểm soát, vị thế của đồng Việt Nam được nâng cao, nên người dân cũng như Việt kiều ở nước ngoài đã có niềm tin hơn vào các chính sách.


Thứ hai, bên cạnh kiều hối chuyển về từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là chủ lực, thì đã xuất hiện thêm các thị trường mới. Đặc biệt, gần đây, người Việt Nam đã có mặt, làm ăn buôn bán ở rất nhiều nước trên thế giới.
Chính phủ cũng có nhiều chính sách mở cửa ký kết hợp tác với một số quốc gia trong việc xuất khẩu lao động. Theo thống kê của Western Union, nếu như hơn thập kỷ trước, kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh Western Union chỉ từ 16 quốc gia thì hiện tại con số này đã lên đến trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Thứ ba, trong thời gian tới, nền kinh tế thế giới hồi phục cộng với việc Chính phủ đang tiếp tục đưa ra các chính sách thông thoáng hơn trong việc thu hút đầu tư, nhất là “mở cửa” với Việt kiều sở hữu nhà đất trong nước. Thứ tư, dịch vụ ngân hàng ngày càng phát triển và hiện đại, thuận tiện hơn trong việc nhận tiền kiều hối.


Với những thuận lợi như phân tích trên, theo nhận định của Công ty Kiều hối Đông Á, lượng kiều hối trong kỳ Tết Giáp Ngọ 2014 có thể tăng đến 35% so với trung bình các tháng trong năm. Còn theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu BIDV thì cả năm 2014, kiều hối sẽ tăng khoảng 10%. Như vậy, vào cuối năm nay, 12 tỷ USD là con số kiều hối có thể đạt được, tăng thêm nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.


Theo Thời báo Ngân hàng