Thông tư 22 là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ và quản lý đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng...
Thực hiện quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trên cơ sở quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Đo lường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường (sau đây viết tắt là Thông tư 22).
Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 và được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ, kinh doanh mua, bán vàng miếng (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng).
Thông tư 22 là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ và quản lý đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường quản lý đối với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ (TSMN) theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Yêu cầu về chất lượng đối với vàng trang sức mỹ nghệ
Theo Thông tư 22, vàng TSMN là các sản phẩm vàng có hàm lượng vàng từ 8 Kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.
Chất lượng vàng TSMN được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng. Trong đó: “hàm lượng vàng” hay còn gọi là tuổi vàng là thành phần phần trăm (%) tính theo khối lượng vàng có trong thành phần chính của sản phẩm vàng TSMN;“độ tinh khiết” là số phần của kim loại vàng (tính theo khối lượng) trong một nghìn (1000) phần của hợp kim vàng; “Kara” là số phần của kim loại vàng (tính theo khối lượng) trong hai mươi bốn (24) phần của hợp kim vàng; “vàng tinh khiết” là kim loại vàng có độ tinh khiết lớn hơn 999 phần nghìn (‰) tính theo khối lượng.
Khi thực hiện phân hạng theo Kara thì vàng TSMN được phân hạng theo hạng thấp hơn liền kề với giá trị Kara thực tế (ví dụ vàng trang sức 19,5K thì xếp vào loại vàng 19K); trường hợp phân hạng theo độ tinh khiết hoặc hàm lượng vàng thì giá trị công bố phải đúng với giá trị thực tế (ví dụ hàm lượng vàng là 87,0% thì công bố là 87,0% hoặc 870).
Thông tư 22 cũng có quy định về phân loại vàng TSMN khi vàng TSMN có nhiều hơn một bộ phận chính là hợp kim vàng; việc sử dụng kim loại nền bằng hợp kim khác với hợp kim vàng để tăng cường độ bền cơ lý; việc sử dụng vật liệu phủ bằng kim loại (khác với vàng) hay phi kim loại với mục đích trang trí, việc yêu cầu công bố khi sử dụng vật liệu hàn không phải là hợp kim vàng hoặc thay thế bằng keo dán, sản phẩm vàng TSMN nếu có sử dụng vật liệu nhồi hoặc làm đầy chỗ trống, sản phẩm không được làm toàn bộ từ hợp kim vàng.
Về công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với vàng trang sức mỹ nghệ
Thông tư 22 quy định vàng TSMN chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã có công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Tiêu chuẩn công bố áp dụng là tập hợp các thông số kỹ thuật và thông tin bắt buộc (thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối như tên hàng hóa, tên, địa chỉ nhà sản xuất, phân phối, nhãn hiệu hàng hóa, mã ký hiệu sản phẩm, ...; thông tin về yêu cầu kỹ thuật như khối lượng vàng hoặc thành phần hợp kim có chứa vàng, hàm lượng vàng, kiểu sáng, kích cỡ, vật liệu gắn lên vàng, ký hiệu đối với vàng TSMN, mô tả đặc điểm riêng của vàng TSMN...; ghi ký hiệu đối với sản phẩm vàng TSMN) hoặc nội dung cần thiết khác về sản phẩm vàng TSMN do tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng tự công bố dựa trên tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn cơ sở.
Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với vàng TSMN do tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng tự thực hiện theo một trong các cách sau: Trên bảng niêm yết giá vàng TSMN, Trên bao bì của sản phẩm vàng TSMN; Trên nhãn hàng hóa của sản phẩm vàng TSMN;Trên tài liệu kèm theo sản phẩm vàng TSMN.
Thông tư 22 cũng quy định về việc ghi nhãn vàng. Cụ thể: Việc ghi nhãn vàng TSMN phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Vị trí nhãn vàng TSMN được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 89/2006/NĐ-CP; Nhãn vàng TSMN phải được thể hiện trực tiếp trên sản phẩm bằng phương pháp thích hợp hoặc thể hiện trên tài liệu đính kèm sản phẩm; Độ tinh khiết hay hàm lượng vàng phải được ghi rõ tại vị trí dễ thấy trên sản phẩm hoặc ghi trên nhãn đính kèm trong trường hợp sản phẩm có kích thước không thể thể hiện trực tiếp; Đối với vàng TSMN nhập khẩu, ngoài nhãn gốc ghi bằng tiếng nước ngoài, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện thông tin ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa...
Theo Vnmedia