Dự kiến doanh nghiệp sẽ được tự quyết tăng giá đến 7% và thời gian tính giá bình quân chỉ 15 ngày. Chính phủ đang đôn đốc các bên liên quan sớm phản hồi trước 20/12 để Bộ Công thương hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng phê duyệt.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn thông báo về ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải liên quan đến việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 tập trung đối với những vấn đề mới bổ sung về hệ thống phân phối, nguyên tắc điều hành giá bán lẻ xăng dầu, quy định về giá và cơ chế khuyến khích sử dụng xăng sinh học E5 như đề xuất của Bộ Công thương.
Phó Thủ tướng giao các Bộ Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải có văn bản tham gia ý kiến gửi đến Bộ Công thương trước ngày 20/12/2013. Bộ Công thương có trách nhiệm phải phân tích rõ hệ thống phân phối hiện hành với tỷ lệ các hình thức phân phối, cần tính đến thời hạn cho phép khi đưa việc cấp phép Tổng đại lý vào. Đồng thời, cơ quan này sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan thì phải hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ảnh minh họa. |
Được biết, theo dự thảo Nghị định mới nhất được Bộ Công thương gửi lấy ý kiến đóng góp thì giá cơ sở để tính giá xăng dầu được tính bình quân của 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc. Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. Đồng thời, thương nhân đầu mối cũng có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.
Theo quy định tại dự thảo này, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá cũng như giảm giá (thay vì 30 ngày như hiện nay). Về nguyên tắc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu, đó là khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.
Còn nếu biến động làm giá cở sở giảm trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (thuế nhập khẩu, bình ổn giá) thì thương nhân đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Với điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu, biên độ là 7%. Có nghĩa là, nếu các yếu tố cấu thành biến độ làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% so với giá bán lẻ hiện hành, thì thương nhân đầu mối được quyền chủ động tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh. Trong biên độ 7-12% thì thương nhân đầu mối phải gửi phương án giá, đăng ký mức điều chỉnh giá tới liên Bộ Tài chính - Công thương trước thời gian điều chỉnh là 2 ngày làm việc.
Quá thời gian 2 ngày làm việc mà không có văn bản hồi âm của liên bộ hoặc văn bản trả lời không đúng nguyên tắc quản lý giá thì thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 7% cộng thêm 40% của mức giá cơ sở tăng trên 7% đến 12%; 60% còn lại sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp. Nếu sau 2 ngày làm việc không nhận được văn bản trả lời về việc sử dụng quỹ bình ổn thì thương nhân được tăng nốt phần còn lại.
Theo Dân trí