10:11, 05/11/2013

Sẽ đóng mã số thuế đối với doanh nghiệp FDI vắng chủ

Cơ quan Thuế, Hải quan tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp quyết toán thuế và thực hiện đóng mã số thuế các trường hợp này.

Theo Dự thảo về phương án giải quyết các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài vắng chủ được Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ, một trong những giải pháp xử lý tình trạng chủ DN, dự án có vốn đầu tư nước ngoài bỏ về nước, không liên lạc được (gọi chung là DN đầu tư nước ngoài vắng chủ), cơ quan Thuế, Hải quan cần tạo mọi điều kiện để DN thực hiện việc quyết toán thuế; đồng thời thực hiện đóng mã số thuế cho các trường hợp này.


Cụ thể, Bộ Tài chính thực hiện rà soát, sửa đổi quy trình quyết toán thuế đối với những DN chấm dứt hoạt động theo hướng đơn giản và khả thi. Ngoài ra, cơ quan Thuế, Hải quan thực hiện các biện pháp theo Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ thuế và các nghĩa vụ tài chính của DN vắng chủ.


Theo thống kê của các Sở kế hoạch - Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh, tính đến tháng 5/2013, cả nước có trên 500 dự án/DN đầu tư nước ngoài vắng chủ; chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: Quản lý DN, xây dựng, bất động sản, thương mại, phần mềm, ăn uống, nhà hàng... còn lại một số là các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Phần lớn những DN này do nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc thực hiện, có quy mô nhỏ (dưới 500.000 USD) và thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác mà không có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Tình trạng này đã có những tác động ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội, trật tự quản lý Nhà nước và môi trường đầu tư như người lao động bị mất việc làm, bị nợ lương và các chế độ khác theo quy định; Nhà nước bị thất thu ngân sách như không thu được thuế còn nợ đọng, bảo hiểm xã hội và các nghĩa vụ tài chính khác; Lãng phí tài nguyên đất đai và các chủ nợ không đòi được nợ. Thực trạng này yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần tăng cường công tác hậu kiểm, giám sát đối với các DN đầu tư nước ngoài; Cơ quan Thuế, bảo hiểm xã hội cần tập trung kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng tồn đọng, kéo dài việc nợ thuế và bảo hiểm xã hội.


Ngoài ra, trong trường hợp không liên lạc được với nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện ngay các biện pháp: Gửi thông báo đến địa chỉ đăng ký tại Việt Nam của DN, người đại diện pháp luật, gửi thông báo đến địa chỉ của nhà đầu tư tại nước ngoài theo thông tin đăng ký với cơ quan nhà nước tại Việt Nam để yêu cầu nhà đầu tư giải quyết các vấn đề tồn đọng theo quy định của pháp luật.


Cơ quan quản lý nhà nước cũng gửi văn bản tới cơ quan ngoại giao thường trú tại Việt Nam của quốc gia có nhà đầu tư đề nghị hỗ trợ tìm kiếm; Đăng tải thông tin trên Cổng thông tin của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, DN và phương tiện thông tin đại chúng; Đối với trường hợp nhà đầu tư gây hậu quả nghiêm trọng, cần đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có biện pháp phối hợp xử lý...


Theo Báo Hải quan