Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đánh giá, sau 3 năm thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn tín dụng đã thúc đẩy ngành Nông nghiệp địa phương phát triển, .....
Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa đánh giá, sau 3 năm thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn tín dụng đã thúc đẩy ngành Nông nghiệp địa phương phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới và phát triển…
Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), gia đình ông Phạm Văn Phấn (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) đầu tư, mở rộng trang trại nuôi gà. Có thời điểm gia đình ông vay ngân hàng đến 500 triệu đồng, quy mô trang trại đến 5.000 - 6.000 con gà mái đẻ. Ngoài ra, ông còn nuôi heo rừng, gà ta. Năm 2010, nhờ được hỗ trợ 2% lãi suất nên số tiền lãi gia đình ông phải trả ngân hàng giảm đáng kể, từ hơn 9 triệu đồng/tháng xuống còn khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hiện nay, gia đình còn khoản vay ngân hàng 100 triệu đồng. “Có tiền vay ngân hàng, gia đình tôi mới mở rộng được trang trại, ngoài gà đẻ còn nuôi thêm gà ta. Gia đình tôi cũng mua được máy ấp gà, máy xay, máy trộn thức ăn, làm chuồng trại lớn hơn” - ông Phấn cho biết.
Gia đình ông Phạm Văn Phấn (trái) vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi gà. |
Theo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã quan tâm đầu tư cho các hộ sản xuất khu vực nông thôn. Có nhiều hình thức chuyển tải vốn từ ngân hàng đến hộ nông dân như: Cho vay trực tiếp; cho vay thông qua các tổ chức kinh tế trung gian, các tổ chức đoàn thể, qua tổ tín chấp, tổ vay vốn. Hệ thống NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giữ vai trò chủ lực cùng các ngân hàng thương mại khác cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Đình Cường - Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng lên đến 1.710 tỷ đồng. Lĩnh vực cho vay hiệu quả rõ nhất là sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, với dư nợ 750 tỷ đồng, tiếp theo là chế biến thủy sản, nông sản có dư nợ 610 tỷ đồng.
Khai thác vốn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới
Theo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 8-2013, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh là 3.283 tỷ đồng, với hơn 129.200 khách hàng, chiếm 13,73% dư nợ cho vay toàn tỉnh, tăng 10,68% so với năm 2010. Doanh số cho vay xây dựng nông thôn mới từ năm 2012 đến tháng 6-2013 là 5.895 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tại 20 xã điểm là 567 tỷ đồng. |
Theo Nghị định 41, đối tượng vay vốn phải cư trú, có cơ sở, dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn; vì vậy, nhiều cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ở địa bàn đô thị không tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi. Thời gian qua, một số xã của TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa được nâng lên thành phường đã khiến đối tượng vay vốn bị thu hẹp lại. Về vấn đề này, đồng chí Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh không chỉ đề nghị làm rõ hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nông nghiệp nhưng không nằm trong khu vực nông thôn (các phường, thị trấn) mà còn đặt vấn đề các hoạt động sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhưng nằm trong khu vực nông thôn có thể xem xét để được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng này không? “Ngay ở TP. Nha Trang, người dân phường Vĩnh Nguyên sống ở ngoài đảo, sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, hay sản xuất nước mắm. Họ có được hưởng chính sánh ưu đãi này không?” - đồng chí Trần Sơn Hải nêu vấn đề. Tuy Nghị định 41 quy định cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa khai thác được nguồn lực này. Vì vậy, đồng chí Trần Sơn Hải yêu cầu NHNN Chi nhánh Khánh Hòa kiến nghị Trung ương làm rõ đối tượng, loại cơ sở hạ tầng nông thôn được vay ưu đãi và phương thức vay.
Để triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới cần khai thác được nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng thời gian qua, các cấp vẫn chỉ tập trung vào vốn ngân sách. Vì thế, đồng chí Trần Sơn Hải yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải gắn thực hiện Nghị định 41 với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bởi nếu khai thác được nguồn lực này phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn sẽ góp phần giải quyết được hàng loạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Ông Đoàn Vĩnh Tường cho biết, sẽ kiến nghị Trung ương mở rộng đối tượng, mức vay; tổng hợp những ý kiến để kiến nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung những điểm bất cập của Nghị định 41 và văn bản hướng dẫn.
K.N