Đón mùa sản xuất, tiêu dùng cuối năm, các ngân hàng đang "chạy đua" để tăng dư nợ tín dụng.
Đón mùa sản xuất, tiêu dùng cuối năm, các ngân hàng đang "chạy đua" để tăng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, đẩy vốn ra nền kinh tế vẫn là một bài toán nan giải khi sức cầu yếu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều khó khăn; số DN tạm ngừng hoạt động vẫn cao; cách đánh giá rủi ro của các ngân hàng thay đổi nhiều do lo ngại nợ xấu.
Kết thúc quý III/2013, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng như toàn hệ thống dù tăng nhưng vẫn ở mức khiêm tốn. Các ngân hàng đặt nhiều kỳ vọng vào mùa sản xuất kinh doanh cuối năm.
Số liệu từ VIB cho thấy, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đến cuối tháng 9 mới được khoảng 6%, trong khi VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% trong năm 2013. Để đạt mục tiêu, từ nay đến cuối năm, VIB sẽ nhắm vào 2 đối tượng là DN xuất khẩu và DN FDI. Chuẩn bị cho "mùa" tín dụng cuối năm, nhiều ngân hàng đã xin nới “room” tín dụng và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận. NamA Bank xin tăng "room" lên 30% để đón đầu nhu cầu vốn của DN dịp cuối năm. OCB, HDBank, SeABank… cũng đã được NHNN đồng ý tăng “room” so với chỉ tiêu được cấp đầu năm.
Theo báo cáo của NHNN, từ đầu năm đến nay, trong khi mặt bằng lãi suất huy động giảm 2 - 3% thì lãi suất cho vay giảm khoảng 3 - 5%. Cụ thể, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) ở mức 7 - 9%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 10,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước; 9,5 - 11,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại CP. Trong đó, một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch; phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5 - 7%/năm.
Gian nan “đẩy” vốn
Hiện, tín dụng vẫn là kênh chủ yếu đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng. Bởi vậy, các ngân hàng đang dồn sức khai thác triệt để "mùa" sản xuất, tiêu dùng cuối năm để đẩy vốn ra nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đẩy vốn vẫn là bài toán nan giải trong bối cảnh sức cầu yếu, DN không tha thiết mở rộng kinh doanh và ngân hàng vẫn lo nợ xấu.
Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 18/9, tăng trưởng tín dụng đạt mức 5,83%, trong khi huy động vốn hơn 11,74%. Tại Hà Nội, tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9/2013 đạt 675.713 tỷ đồng, chỉ tăng 3,5% so cuối năm 2012. Thực tế, các ngân hàng đang cạnh tranh nhau giành số DN làm ăn có lãi ít ỏi hiện nay để cho vay, nhưng do lo ngại nợ xấu nên điều kiện cho vay vẫn hết sức ngặt nghèo. Đến nay, hầu như không còn ngân hàng nào mở các khoản vay liên quan đến đầu tư, kinh doanh bất động sản. Mảng khách hàng các ngân hàng hướng đến nhiều nhất là các DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Bên cạnh tín dụng cho DN thì mảng tín dụng cá nhân cũng đang được các ngân hàng khai thác triệt để. Tuy nhiên, dù triển khai nhiều chương trình tín dụng cá nhân nhưng để "kích" tăng trưởng tín dụng mảng này là không dễ. Lý do là hiện các nhu cầu tiêu dùng như vay mua ô tô, vay du học… không nhiều, chủ yếu là khách có nhu cầu thực sự về nhà ở vay mua nhà. Nhưng, không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được vốn vay mua nhà của ngân hàng; bên cạnh việc chứng minh được khả năng trả nợ, khách hàng phải có thêm tài sản thế chấp. Đây là điều kiện không phải người có nhu cầu thực sự về nhà ở nào cũng đáp ứng được. Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay về 0% nhưng chỉ áp dụng trong những tháng đầu của khoản vay.
Theo KTĐT